Để khắc phục tình trạng tự ý tách thửa, phân lô bán nền, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái pháp luật trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý chấn chỉnh và tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa.
Nở rộ dự án
Nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 20 km, Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng City (xã Long Hưng, TP Biên Hòa) có quy mô 1.300 ha bao gồm 5 dự án thành phần gồm: khu đô thị Long Hưng có diện tích 227 ha, đảo Phụng Hoàng có diện tích 286 ha, bán đảo Cường Hưng có quy mô 92 ha, Waterfront City có quy mô 366 ha và dự án Aqua City có diện tích 305 ha....
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc EXIMRS – đơn vị phân phối dự án, kể từ thời điểm mở bán vào tháng 8/2016 thì đến nay gần như tất cả nền đất của khu Long Hưng City có diện tích 227 ha đã được bán hết. Hiện nay giao dịch chủ yếu là thứ cấp, với mức giá khoảng từ 9 – 10 triệu/m2. Trong khi với mức giá chủ đầu tư đưa ra thời mở bán 7,1 triệu/m2.
Một dự án đất nền khác cũng đang được thi công hạ tầng rầm rộ nằm mặt tiền đường Tôn Đức Thắng (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) là dự án Richland City do Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (D.I.C Corp) làm chủ đầu tư và phân phối độc quyền bởi Công ty CPĐịa ốc Kim Oanh.
Theo như những thông tin giới thiệu về dự án này có quy mô 21,5 ha ( bao gồm 714 nền nhà phố diện tích 92-162,68 m2 và 2 block căn hộ). Giá bán hiện đang được rao khoảng 416 triệu/nền.
Một loạt dự án đất nền khác cũng gây chú ý tại Đồng Nai thời gian gần đây như dự án Khu đô thị Bien Hoa Riverside do Công ty cổ phần Đồng Nai làm chủ đầu tư; The Viva City của Công ty cổ phần Đầu tưLDG(LDG Group) tại huyện Trảng Bom…
Rủi ro tiềm ẩn
Giám đốc một công ty bất động sản cho biết, không giống như phân khúc căn hộ, thường xuyên được giám sát bởi cơ quan chức năng. Đất nền luôn tiềm ẩn rủi ro cao về tính pháp lý. Tình trạng đất nền chung sổ, hay có đất nhưng không thể xây dựng do vướng quy hoạch, chủ đầu tư sai phạm, chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính… diễn ra khá phổ biến.
Dự án EcoSun
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA) cho biết mới đây, Hiệp hội đã nhận được đơn tố cáo tập thể của 9 khách hàng phản ánh hành vi kinh doanh gian dối, lừa đảo và chiếm dụng tiền của Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát (quận 10, TP HCM) khi mua đất nền của dự án EcoSun tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dự án này Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư và ủy quyền cho và ủy quyền cho đơn vị môi giới là công ty mẹ của Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát bán lại cho khách hàng. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của người dân, HOREA đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai để đề nghị xem xét, giải quyết đơn tố cáo theo thẩm quyền.
Trong quy định của Luật Đất đai 2013 nêu rõ, khi phân lô bán nền chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.
Đồng thời đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…
Tuy nhiên, hiện nay không ít dự án vẫn ngang nhiên bán nền dù hạ tầng cơ sở chưa xây dựng hoàn thiện, sơ sài. Thậm chí, nhiều dự án khi người dân vào ở cơ sở hạ tầng không có, hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Một số chủ đầu tư sau khi bán hàng đã “bỏ quên” hạ tầng đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân.
Tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo các Sở ngành và chính quyền địa phương nhằm chấn chỉnh việc tự ý tách thửa, phân lô,chuyển nhượng đất bằng giấy taytrái pháp luật.
Theo UBDN tỉnh Đồng Nai, hiện tại vẫn còn một số địa phương chậm thực hiện và xử lý vi phạm về phân lô bán nền, xây dựng nhà ở công trình chưa triệt để. Điều này đã dẫn đến tình trạng thu gom, mua bán đất đai, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái luật ngày càng phức tạp.
Cụ thể, một số địa bàn như phường Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình và Tam Phước thuộc TP Biên Hòa, các xã Long Thọ, Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch… là các “điểm nóng” về phân lô, bán nền tràn lan. Việc này đã làm phá vỡ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến bồi thường, hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa phải tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với việc phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, các đơn vị này phải báo cáo tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở xây dựng để kiểm tra.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai yêu cầu TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom cần khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nội dung phản ánh đến phân lô bán nền nông nghiệp, lâm nghiệp tại xã Tam Phước, TP Biên Hòa và xã An Viễn, huyện Trảng Bom để xử lý vi phạm phân lô bán nền đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trước ngày 29/4/2017.
Tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường khẩn trương kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo, tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với việc tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái phép trên địa bàn trước ngày 29/4/2017.
Đáng chú ý, tỉnh Đồng Nai đã quyết định cho tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa. Cụ thể, theo quyết định 25 ngày 20/4/2016 của UBND tỉnh đã quy định diện tích đất tối thiểu đối với từng loại đất trên địa bàn Đồng Nai về cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, qua quá trình thực hiện tách thửa còn một số nội dung của quyết định cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy trình tách thửa, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc tách thửa theo quy định pháp luật cho phù hợp tình hình biến động đất đai ngày càng tăng.
Do đó, trong thời gian rà soát, điều chỉnh bổ sung quyết định 25, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên – Môi trường tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa trên địa bàn. Thời gian tạm ngưng đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung.