Thời gian qua, trên một số trang web rao vặt mua bán nhà đất, xuất hiện việc rao bán căn hộ chung cư cao cấp tại ngõ 5 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.
Thời gian qua, trên một số trang web rao vặt mua bán nhà đất, xuất hiện việc rao bán căn hộ chung cư cao cấp tại ngõ 5 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 25/4/2002 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2822/QĐ-UB thu hồi 4.096m2 đất tại ngõ 5 Láng Hạ, P.Thành Công, Q.Ba Đình do HTX Cao su Tháng 5 đang quản lý; giao cho Cty CP Đầu tư dự án - Phát triển đô thị (UDPI) để xây dựng nhà ở bán. Tại Quyết định 2822/QĐ-UB ngày 25/4/2002, UBND TP Hà Nội quy định rõ quyền và nghĩa vụ của UDPI tại điều II (khoản 1 và 2) cụ thể như: Phải liên hệ với UBND Q.Ba Đình để thành lập Hội đồng GPMB bồi thường thiệt hại cho người bị thu hồi đất theo quy định hiện hành. Liên hệ với Cục Thuế Hà Nội để làm thủ tục nộp tiền sử dụng đất, thuế nhà đất theo quy định.
Tại điều IV của quy định cũng nêu rõ: “Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sau 6 tháng kể từ ngày ký, nếu UDPI chưa thực hiện xong Khoản 1, 2 Điều II… thì Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi quyết định giao đất”.
Như vậy, nếu chiếu theo các quy định trên thì đến ngày 25/10/2002 Quyết định 2822/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội đã hết hiệu lực. Nhưng với việc “quên lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi quyết định giao đất” của Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội (nay là Sở TN&MT) và với sự “tự chủ” của mình, ngày 10/02/2003 UDPI đã ký hợp đồng với HTX Cao su Tháng 5 về việc chuyển nhượng diện tích đất của HTX mà “không cần” Hội đồng GPMB Q.Ba Đình (?).
Ngày 24/11/2003, mặc dù được UBND TP Hà Nội “Gia hạn thời hiệu thực hiện Quyết định số 2822/QĐ-UB ngày 25/4/2002 của UBND TP là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký Quyết định này. Các nội dung khác của Quyết định số 2822/QĐ-UB ngày 25/4/2002 của UBND TP vẫn giữ nguyên hiệu lực” (Quyết định số 7052/QĐ-UB) nhưng phải đến đầu năm 2011, xã viên HTX Cao su Tháng 5 mới được “ép” nhận hết tiền “đền bù”.
Vậy, hiệu lực của bản hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 10/02/2003 tới đâu khi căn cứ pháp lý quan trọng nhất của nó là Quyết định 2822/QĐ-UB ngày 25/4/2002 của UBND TP Hà Nội đã hết hiệu lực?! Phải chăng vì sự “tự chủ”, “sự đi tắt đón đầu” của UDPI trong GPMB (thỏa thuận với chủ sử dụng đất) nên quyền lợi của gần 50 xã viên HTX Cao su Tháng 5 được hưởng là phải nhận tiền đền bù năm 2011 theo thời giá… năm 2003?!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thụ - Chủ nhiệm HTX Cao su Tháng 5 cho biết: UDPI “hứa” sẽ hỗ trợ cho HTX thêm 2 tỷ (ngoài 8 tỷ trong hợp đồng) sau khi HTX hoàn tất các thủ tục để bàn giao đất tại ngõ 5 Láng Hạ cho UDPI.
Huy động vốn trái pháp luật!
Mặc dù việc chuyển nhượng tại ngõ 5 Láng Hạ giữa HTX Cao su Tháng 5 và UDPI vẫn “bùng nhùng” trong “mớ bòng bong” nhưng từ giữa năm 2010, UDPI đã bán các căn hộ thuộc dự án ngõ 5 Láng Hạ “núp” dưới hình thức “thỏa thuận hợp tác đầu tư”. Với cách làm này, UDPI không chỉ có hành vi huy động vốn trái pháp luật mà còn bán các căn hộ trên giấy của mình bằng ngoại tệ (đô la Mỹ), vi phạm các quy định của Pháp lệnh quản lý ngoại hối. Và để che giấu những sai phạm của mình, UDPI đã yêu cầu nhà đầu tư: “Cam kết bảo mật thông tin trong thỏa thuận này và tất cả thông tin liên quan tới giao dịch của các bên liên quan tới việc thực hiện thỏa thuận này”?
Sau rất nhiều lần liên lạc với ông Phạm Đức Qúy - Tổng giám đốc UDPI, PV mới có được cái hẹn làm việc, nhưng sau gần một tiếng chờ đợi theo lịch hẹn của “ngài” Tổng giám đốc UDPI, PV BĐS&VLXD được bố trí làm việc với một nhân viên, người được cử ra để nghe ý kiến để… báo cáo lại (!).
Với việc bỏ tiền thật mua nhà trên giấy liệu các nhà đầu tư có phải ăn “trái đắng” khi đã đầu tư vào đây? Dư luận đang mong đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng TP Hà Nội.
(Theo báo Xây dựng)