Từ đầu năm 2019 tới nay, lĩnh vực bất động sản thu hút 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong tổng số 29,11 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam. Trong 19 ngành, địa ốc xếp thứ hai về thu hút vốn ngoại, sau công nghiệp chế tạo, chế biến.
Theo báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại trong 10 tháng đầu năm nay đạt 29,11 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 4,3%.
Cụ thể, vốn thực hiện những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm trước tăng 7,4%, ước đạt 16,21 tỷ USD. Có tới 3.094 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tính tới ngày 20/10/2019. Xét về lượng dự án, con số này tăng 25,9%.
So với cùng kỳ năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 85,4%, đạt 12,83 tỷ USD. Sở dĩ vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ là do quy mô dự án sụt giảm. Dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD.
|
Vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,9 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019.
(Ảnh: Lê Quân) |
Trong khi đó, vốn điều chỉnh tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái với 1.145 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư. So với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký điều chỉnh chỉ bằng 83,6%, đạt 5,47 tỷ USD.
Về góp vốn và mua cổ phần, so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp tăng 70,5%, đạt 10,81 tỷ USD với 7.509 lượt góp vốn. Tổng giá trị vốn góp tính đến tháng 10/2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Đáng chú ý, lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn FDI là ngành công nghiệp chế tạo, chế biến với 18,83 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 68,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo sau là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đạt 2,98 tỷ USD. Giữ vị trí thứ ba là lĩnh vực sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy; bán buôn và bán lẻ với tổng vốn đạt 1,97 tỷ USD.
Xét về đối tác rót vốn vào thị trường Việt Nam, hiện đã có 107 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án tại Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là Hồng Kông với tổng vốn đạt 6,45 tỷ USD. Xếp thứ hai là Hàn Quốc với 5,52 tỷ USD. Singapore giữ vị trí thứ ba với 4,21 tỷ USD.
Xét theo địa bàn, Hà Nội vẫn là nơi thu hút lượng vốn FDI nhiều nhất với tổng vốn đăng ký trên 6,61 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 22,7% tổng vốn đăng ký. Kế đến là TP.HCM với 4,96 tỷ USD. Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... giữ các vị trí tiếp theo.
Đặc biệt, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng qua tăng khá mạnh. So với cùng kỳ, lượng đoàn tăng khoảng 30%.
Đáng chú ý, không ít đoàn tìm hiểu cơ hội để chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, đối tác chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc.