Nhiều chuyên gia cho rằng gần đây, giá nhà đất tại một số dự án ở Hà Nội tăng đột biến là do bị “làm giá”, giao dịch sôi động chủ yếu là “nhờ” giới đầu cơ.
Nhiều chuyên gia cho rằng gần đây, giá nhà đất tại một số dự án ở Hà Nội tăng đột biến là do bị “làm giá”, giao dịch sôi động chủ yếu là “nhờ” giới đầu cơ.
So với 3 tháng trước, giá nhà đất của nhiều dự án tăng đột biến. Đặc biệt là những dự án tiếp giáp với các công trình hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai.
Giá đất nền xây biệt thự hoặc căn hộ liền kề tại khu đô thị Văn Khê tăng 5 - 7 triệu đồng/m2, hiện vào khoảng 30 - 34 triệu đồng/m2, gấp 6-7 lần so với giá gốc. Giá bán đất biệt thự, đất liền kề dự án Vườn Cam, dự án Tân Tây Đô cũng tăng gần gấp đôi.
Ông Nguyễn Trọng Tân, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết: “3 tháng trước, một suất liền kề vị trí đẹp tại khu đô thị Tân Tây Đô có giá 8,6 triệu đồng/m2 (giá gốc là 6 triệu đồng/m2).
Đến nay, giá bán đã lên khoảng 16-17 triệu đồng/m2. Giao dịch đối với dự án này cũng khá sôi động. Giá tăng một phần là do bị “thổi” lên còn giao dịch tăng do đầu tư là chính chứ nhu cầu người mua để ở thực thì chưa nhiều”.
Không chỉ có đất nền dự án, giá bán nhiều căn hộ chung cư tại Hà Nội cũng đã tăng 4 - 5 triệu đồng/m2. Ví như căn hộ chung cư N05 Đông Nam Trần Duy Hưng vài ba tháng trước được chủ đầu tư bán ra với giá 24 triệu đồng/m2 thì hiện trên thị trường được chào bán chênh lên khoảng 500 triệu đồng/căn.
Phân tích về thực trạng này, nhiều người cho rằng bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao.
Thời gian qua, thị trường trầm lắng là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, người dân có tâm lý lo lắng, chờ đợi. Hiện tại, nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, người có tiền quay lại đầu tư bất động sản gây nên cơn sốt cục bộ...
TS Trần Du Lịch, ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Tôi cho rằng, những biến động mang tính chu kỳ đã diễn ra năm 2007 có thể sẽ lại lặp lại trong năm nay, bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, sau đó chuyển sang thị trường bất động sản do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn là chuyển vốn từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản để đảm bảo an toàn vốn và có lợi trong tương lai gần.
Thực tế đang có một tỷ lệ nhất định nhà đầu tư thực hiện việc chuyển kênh này, nên giá nhà đất một số nơi có tăng. Bất động sản xưa nay vốn là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao và khá an toàn nên rất nhiều nhà đầu tư muốn đổ tiền vào, nhưng rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn.
Vì vậy, tôi muốn cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hãy cẩn thận, rất có thể thị trường bất động sản và cả thị trường chứng khoán sẽ biến động dai dẳng theo hình răng cưa và tương đối gấp, sẽ có rủi ro nhất định”.
Hiện nay, Hà Nội có 744 đồ án, dự án với diện tích chiếm đất khoảng 75.189ha. Trong đó dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hỗn hợp chiếm số lượng nhiều nhất với 389 dự án, (tương đương 52%), diện tích đất là 39.148ha, số dân dự kiến là 2,4 triệu người.
Theo kết quả rà soát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội mới, tổng số đồ án quy hoạch và dự án đầu tư đã được rà soát là 318, trong đó có 58 đồ án, dự án được tiếp tục triển khai bình thường, 153 đồ án, dự án tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh quy hoạch, 107 đồ án, dự án phải tạm thời dừng.
Trong tháng qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, từ nay cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt, thành phố không được cấp phép các dự án phát triển đô thị mới. Riêng đối với các dự án đầu tư, đồ án quy hoạch đã được các địa phương xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rà soát và có phương án cụ thể cho từng trường hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, có dự án đến nay mới đang tiến hành làm thủ tục xin phép đầu tư nhưng vẫn được rao bán sản phẩm công khai và vẫn bị “làm giá” từng ngày. Chị Hoàng Thu Phượng, một khách hàng tại Hà Nội cho biết: tôi được người quen chào bán đất nền của một dự án tại huyện Từ Liêm với giá 14,2 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với những mức giá khác cùng dự án đang được chào trên thị trường.
Nghe nói giá gốc ban đầu là 10 triệu đồng/m2, đợt sau, công ty đẩy lên 12 triệu/m2 và thấy bảo chủ đầu tư sẽ tiếp tục tăng giá. Song, khi tôi đi thực tế thì được cán bộ địa phương cho biết: dự án mới đang làm thủ tục xin cấp phép đầu tư chứ chưa có gì cả. Do đó, tôi quyết định không mua nữa. Thế nhưng, tôi biết, trên thị trường vẫn có giao dịch đối với dự án này và giá bán vẫn bị đẩy lên hàng ngày.
Mới đây, khi trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định: dân ta còn mua nhà đất theo tâm lý a dua, không có sự phân tích, tư vấn, tham khảo... nên rất dễ gặp rủi ro.
Do đó, để tạo tính minh bạch cho thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy nhanh nguồn cung về nhà ở, trước hết, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm thu thập, quản lý thông tin, đưa ra định hướng dự báo tốt để người dân có cơ sở tham khảo, quyết định việc mua bán...
(Theo VnEconomy)