Thị trường nhà đất hiện tại đóng băng nhưng giá chỉ giảm so với đợt cao điểm trong quý 1, và vẫn cao hơn 50% so với năm ngoái.
Thị trường nhà đất hiện tại đóng băng nhưng giá chỉ giảm so với đợt cao điểm trong quý 1, và vẫn cao hơn 50% so với năm ngoái.
Tại quận 7 (TP HCM), nhiều dự án bất động sản đã được xây dựng nhiều năm nay nhưng vẫn còn tình trạng đất trống là chủ yếu. Những lô đất, căn hộ của các dự án trong khu vực này như Him Lam, Tân An Huy, Thái Sơn, Hoàng Anh, Quốc Cường... được giới đầu cơ mua đi bán lại nhiều vòng làm cho giá bị đẩy lên quá cao. Thị trường bất động sản hiện đóng băng nhưng các quảng cáo trên báo cho thấy giá nhà đất chào bán còn cao hơn nhiều so với cách đây một năm.
Ngày 18/10, giá đất dự án Him Lam (trên báo Mua & Bán) có mức giá từ 32 tới 35 triệu đồng mỗi m2, trong khi hơn một năm trước giá đất ở đây khoảng 21-22 triệu đồng. Gần khu vực đó, dọc các con đường số thuộc hai phường Tân Quy và Tân Kiểng mỗi căn nhà nát diện tích đất khoảng 145 m2 có giá chào bán trung bình 4 tỷ đồng (xấp xỉ 28 triệu đồng mỗi m2), trong khi vào tháng 8 năm ngoái, giá chào bán chỉ khoảng 2,6 tỷ đồng. Như vậy, tại khu vực quận 7 và nhiều khu vực tại TP HCM giá bất động sản hiện tại chỉ giảm so với đỉnh giá rao trong quý I năm nay, còn so với năm trước vẫn còn cao hơn 50%.
Nhu cầu mua nhà để ở tại TP HCM rất lớn, nhưng do giá nhà đất hiện còn ở “trên trời”, trong khi thu nhập của nhiều người thì ở “mặt đất” nên nhiều người cần nhưng không đủ tiền mua. So với cả nước, thu nhập của người dân tại TP HCM khá cao, năm 2007, bình quân đạt 2.180 USD mỗi người (khoảng gần 35 triệu đồng). Để có được một căn nhà ống hai hoặc ba tầng bình thường, tổng diện tích xây 200 m2, diện tích đất 100 m2, cần phải có tối thiểu 4 tỷ đồng. Nhưng kể cả với một thành phố có điều kiện như ở TP HCM, thì điều đó vẫn vượt xa tầm với của đại đa số người dân. Tính ra số tiền mua nhà đất đó bằng 100 năm thu nhập bình quân của một người dân TP HCM theo mức năm 2008.
Trong khi “cò” tung chiêu làm giá để hút khách, thì nhiều chủ đầu cơ đang âm thầm chịu sức ép trả lãi vốn vay. Đến ngày 30/9, dư nợ tín dụng liên quan bất động sản của cả hệ thống ngân hàng thương mại trên cả nước lên đến 600.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu kỳ hạn vay là một năm, khi khách không trả được nợ theo hợp đồng thì thời điểm ngân hàng siết nợ sẽ bắt đầu từ đầu năm 2009. Lúc đó “sức đề kháng” của nhiều chủ đầu cơ giảm, buộc họ phải hạ giá bán để lấy tiền trả nợ, nhiều khả năng giá bất động sản sẽ giảm thêm.
(Theo Người Lao Động)