Hiện nay, cụm từ nhà ở xã hội đã không còn xa lạ đối với người dân trong cả nước. Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn có những khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp nhưng lại được bán với giá ngang với nhà ở thương mại.
|
Người thu nhập thấp vẫn ngày đêm mong mỏi sở hữu được một căn nhà ở xã hội thực sự. (Ảnh minh họa, nguồn: toquoc). |
Với những người có thu nhập trung bình thì việc mua được một căn nhà có mức giá hợp lý luôn là niềm mong mỏi thường trực trong họ. Việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội sau một thời gian triển khai đã cho thấy những kết quả nhất định. Song, kết quả vẫn chưa thực sự được như mong muốn vì giá bán của một số dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp lại đang ngang với các khu nhà ở thương mại.
Chính phủ cũng đã hỗ trợ người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở bằng việc đưa ra gói vay 30 nghìn tỷ với lãi suất thấp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân chưa được 20%, điều này cũng đã làm tâm lý chờ đón những dự án nhà ở xã hội của người dân đã có dấu hiệu chùng xuống.
Đến thời gian này, thị trường nhà giá rẻ lại bất chợt sôi động với việc 5.000 căn nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương được khánh thành và thêm 10.000 căn hộ mới tiếp tục được khởi công xây dựng nhằm đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh. Niềm vui trên đã có sức lan tỏa ra cả thị trường Hà Nội và Tp.HCM khi người dân hy vọng rằng, điều kỳ diệu đó sẽ diễn ra tại nơi mình đang sinh sống. Nhưng các chuyên gia nhận định, tại Hà Nội, khó có thể xây được những ngôi nhà có giá 100 triệu đồng như ở Bình Dương vì còn vướng mắc nhiều lý do, mà giá đất là một trong những lý do chính yếu.
Vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là, phải chăng giá đất quyết định trực tiếp đến giá trị của căn hộ? Nhưng có một thực tế, tỉnh Bình Dương đã khá mạnh dạn trong việc thực hiện các chính sách cũng như các cơ chế tạo điều kiện khá tốt cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nếu như ở Hà Nội hay Tp.HCM, khi các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội thì họ phải bỏ tiền ra để mua đất, mua điện nước, hoặc nếu có thì cũng chỉ nhận được mức giá ưu đãi nhất định, đương nhiên, tất cả các chi phí đó sẽ được chủ đầu tư cộng hết vào giá bán khiến giá thành của nhà ở xã hội tại đây bị đẩy lên cao là điều dễ hiểu. Nhưng những khoản tiền đó, các chủ đầu tư lại được tỉnh Bình Dương hoàn toàn miễn. Cùng với đó, cơ chế của Bình Dương cũng cởi mở hơn khi cho phép thực hiện căn hộ có diện tích 30m2, nhưng với Hà Nội và Tp.HCM dường như là điều bất khả thi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng: Vẫn đang còn tồn tại không ít vấn đề trong chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người dân khi mua nhà, đó là, còn có quá nhiều ràng buộc về mặt pháp lý. Ví dụ như: Ngôi nhà mà họ mua đó cũng là một khối tài sản nhưng lại bị cấm bán trong vòng 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng mua bán. Về phía doanh nghiệp, tiền đầu tư họ phải tự bỏ, nhưng khi bán ra lại phải kèm theo điều kiện là chỉ được bán cho những khách hàng chỉ định chứ không phải là bán cho bất kỳ ai mà họ muốn, ngay đến cả lợi nhuận cũng bị khống chế không được vượt quá mức 10%...
Sự phân tích trên cho thấy một thực tế rằng, việc lập và thực hiện chính sách có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Và một thực tế khiến người ta không khỏi xót xa vẫn đang xảy ra, đó là trong khi chương trình phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp còn gặp rất nhiều khó khăn thì lại có không ít dự án nhà ở thương mại được cấp phép một cách dễ dàng nhưng không triển khai, hay vẫn còn đó rất nhiều những biệt thự bị bỏ hoang. Nói rõ ràng hơn, trong khi những căn hộ chỉ trăm triệu đồng không có cửa để thực hiện nhưng chúng ta lại có cả đống dự án bất động sản trị giá triệu đô bị bỏ thừa, hoang phí. Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm, nhiều việc cần giải quyết để các chính sách về nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả như người ta vẫn kỳ vọng.