"Giá thuê văn phòng và mặt bằng tăng cao, nguyên nhân đầu là do mất cân đối cung cầu. Nhưng một nguyên nhân khác là thủ tục cấp phép đầu tư rườm rà, tốn thời gian của doanh nghiệp", Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Đỗ Thị Loan, nói.
"Giá thuê văn phòng và mặt bằng tăng cao, nguyên nhân đầu là do mất cân đối cung cầu. Nhưng một nguyên nhân khác là thủ tục cấp phép đầu tư rườm rà, tốn thời gian của doanh nghiệp", Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Đỗ Thị Loan, nói.
Việt Nam là một trong những nước có giá thuê mặt bằng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát mới nhất của Công ty Dịch vụ Bất động sản Mỹ, Cushman&Wakefield, Việt Nam nằm trong những nước có giá thuê mặt bằng và văn phòng đắt đỏ nhất thế giới với vị trí thứ 5 tại khu vực châu Á và thứ 17 trên thế giới.
Trung bình từ đầu năm đến nay, giá thuê đã tăng thêm khoảng 30-40%. Cá biệt, tại một số vị trí đắc địa ở TP HCM, giá cả đã tăng chóng mặt với mức tăng trên 200% so với năm 2007. Cushman&Wakefield dự báo giá văn phòng cho thuê tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, ít nhất là đến năm 2010. Đặc biệt, đến năm 2009, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO, nhiều tập đoàn lớn sẽ đổ bộ vào. Thị trường văn phòng và mặt bằng cho thuê sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn, từ đó có thể sẽ hình thành một mặt bằng giá mới.
Nguyên nhân trước hết, theo bà Loan, là do thị trường này đang mất cân đối cung - cầu rõ rệt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Các doanh nghiệp cũ tăng cường mở chi nhánh, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các công ty đa quốc gia cũng đang vào Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, nhu cầu về thị trường này hiện rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung lại đang quá hạn hẹp. Năm 2008, các dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê đi vào hoạt động rất ít, chỉ có một vài dự án như Saigon Happiness Square, Saigon Paragon, Royal Centre...
"Nhưng bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao là do thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư quá rườm rà, tiêu tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp. Khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và giá vật liệu leo thang cũng làm tiến độ thực hiện dự án chậm lại. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản lại đang gặp vô vàn khó khăn. Các ngân hàng “đóng cửa” cho vay, nếu có được vay thì cũng phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưởng", bà Loan phân tích.
Để giảm nhiệt được giá thuê mặt bằng thời gian tới, theo bà Loan, nếu Nhà nước không giúp được doanh nghiệp về tài chính thì hãy giúp về thủ tục hành chính. Các cơ quan chức năng cần giản lược tối đa thủ tục, tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án.
"Nếu vẫn tiếp tục ngồi đó để tính toán xem tại khu vực nào chiều cao được phép xây dựng là bao nhiêu thì bao giờ nguồn cung trên thị trường mới đáp ứng được nhu cầu. Tại sao các cơ quan quản lý không tự đặt câu hỏi bao giờ TP HCM đuổi kịp Hong Kong, Thượng Hải, Singapore để từ đó đưa ra mục tiêu và biện pháp hành động để đạt được mục tiêu", bà Loan cho biết.
(Theo Người Lao Động)