Thông thường, cuối năm là mùa xây dựng, nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ tăng. Thêm vào đó, nhu cầu tái thiết khu vực miền Trung và Tây Nguyên sau khi bị cơn bão Ketsana tàn phá, càng làm cho nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh hơn.
Thông thường, cuối năm là mùa xây dựng, nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ tăng. Thêm vào đó, nhu cầu tái thiết khu vực miền Trung và Tây Nguyên sau khi bị cơn bão Ketsana tàn phá, càng làm cho nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà chuyên môn, giá cả các loại vật liệu xây dựng cơ bản trong những tháng tới sẽ khó tăng, thậm chí còn có thể giảm.
Cung vượt cầu
Cách nay không lâu, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo, các nhà sản xuất có thể điều chỉnh tăng giá bán xi măng theo một số loại vật liệu cơ bản khác, khả năng này càng chắc chắn hơn nếu giá than đá, nhiên liệu chính để nung clinker, bán thành phẩm của xi măng, tăng giá. Cuối tháng 9-2009, tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã được phép tăng giá bán than cho các khách hàng trong nước. Trong đó, giá bán cho ngành xi măng tăng tới 25% và còn có thể tăng thêm 10% trong tháng 10 này. Ông Trần Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), cho biết giá thành sản xuất xi măng sẽ phải tăng 20.000-30.000 đồng/tấn do sự tăng giá nhiên liệu này. Con số trên tuy không lớn, nhưng với một ngành mà tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ khoảng 8-10%/năm, thì sự biến động này là một sức ép lớn.
Cho đến nay, VICEM, nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, vẫn chưa có quyết định nào về vấn đề tăng giá bán. Tuy nhiên, khả năng VICEM cũng như các công ty xi măng khác điều chỉnh giá sẽ khó xảy ra, do nguồn cung xi măng ở trong nước hiện đã vượt nhu cầu tiêu thụ đến ba triệu tấn và có thể tăng lên năm triệu tấn vào cuối năm. Trong khi đó, dù sức mua đã hồi phục và có chiều hướng tăng, nhưng theo VICEM, cả năm nay nhu cầu thị trường nội địa cũng chỉ tăng được 4-5% so với năm trước. Chính vì thế, sẽ khó có công ty nào dám mạo hiểm tăng giá bán trước, trừ phi có sự thỏa thuận về giá cả giữa các nhà sản xuất.
Tình trạng thừa công suất sẽ còn nghiêm trọng hơn vào năm tới, khi có thêm các nhà máy mới được đưa vào khai thác. Khi ấy, năng lực sản xuất sẽ vượt nhu cầu đến 10 triệu tấn. Hơn nữa, đầu ra của ngành này chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, nên triển vọng của thị trường xi măng trong các năm tiếp theo ít có khả năng biến động.
Tình cảnh của ngành gốm sứ vệ sinh và gạch ốp lát cũng tương tự. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBICA) dự báo, tổng nhu cầu hàng sứ vệ sinh năm nay khoảng hơn năm triệu sản phẩm, nhưng công suất của các nhà máy đã lên đến sáu triệu và còn đang tiếp tục tăng. VIBICA cho rằng, trong thời gian tới, giá sứ vệ sinh sẽ không biến động, trừ phi khí đốt (nhiên liệu để nung gốm) tăng đột biến. Điều đáng nói là dù cung vượt cầu không nhiều, nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, do không cạnh tranh nổi với hàng thương hiệu nước ngoài sản xuất ở Việt Nam.
Ngành sản xuất gạch ốp lát cũng có sự phân hóa rõ nét, một số doanh nghiệp lớn có mức tiêu thụ tốt nên đang tiếp tục đầu tư mở rộng, trong khi, không ít doanh nghiệp khác không bán được sản phẩm. Tình hình trên càng làm cho việc mất cân đối cung - cầu của ngành này thêm trầm trọng. VIBICA cho biết, năng lực sản xuất gạch ốp lát cả nước hiện đã lên đến 261 triệu mét vuông, trong khi nhu cầu ước tính cho năm nay chỉ khoảng 150 triệu mét vuông. Đồng thời thị trường xuất khẩu cũng suy giảm.
Theo Bộ Xây dựng, chín tháng đầu năm 2009 ngành vật liệu xây dựng Việt Nam chỉ xuất khẩu được 104,7 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng hơn một nửa kế hoạch của năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạch ốp lát giảm tới 30%.
Thép - thị trường thế giới đang đảo chiều
Trong tháng 9-2009, mức tiêu thụ thép của Việt Nam dù giảm tới 28,3% so với tháng trước, nhưng sản lượng bán ra trong chín tháng đầu năm vẫn tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn ba triệu tấn. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng nhu cầu thép trong ba tháng cuối năm sẽ tăng mạnh do đã vào mùa xây dựng và nhu cầu tái thiết sau bão.
Ngành thép cũng đang trong tình trạng thừa công suất như xi măng, gốm sứ xây dựng. Tuy nhiên, giá cả thị trường thép ở Việt Nam lại ít bị tác động bởi yếu tố này, mà chủ yếu do cả thị trường phôi thế giới dẫn dắt.
Theo ông Cường, hiện giá thép và phôi trên thị trường thế giới đang đảo chiều. Giá phôi đang từ 530 đô la Mỹ/tấn nay hạ xuống còn 480 - 500 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân chính là Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang thừa phôi và thép thành phẩm nên phải đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khu vực Asean, Thái Lan và Malaysia cũng thừa và giá thép ở thị trường này đang hạ. Chính vì vậy, ông Cường dự báo trong các tháng cuối năm giá thép xây dựng có nhiều khả năng sẽ giảm, bất kể nhu cầu thị trường sẽ tăng.
Không như thép, xi măng và gốm sứ, một số vật liệu xây dựng cơ bản khác như gạch nung, cát và đá xây dựng có thể sẽ bị thiếu hụt trong tương lai gần.
Hội Xây dựng Việt Nam cho biết mức tiêu thụ gạch xây của Việt Nam năm nay vào khoảng 24 tỉ viên. Gạch xây nói chung không thiếu, nhưng vấn đề là thị trường Việt Nam chỉ ưa chuộng gạch nung và không thích gạch không nung. Hiện nay, sản lượng gạch nung hàng năm hơn 22 tỉ viên, nhưng có khả năng sẽ giảm vào năm tới khi quyết định đóng cửa các lò gạch thủ công của Chính phủ để bảo vệ môi trường có hiệu lực. Nếu thói quen sử dụng gạch nung không thay đổi, thì khả năng cung không đủ cầu sẽ sớm xảy ra. Tương tự, việc khai thác đá và cát xây dựng cũng đang bị siết lại do ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động này tới môi trường. Do vậy, nhiều khả năng giá cả nhóm vật liệu này sẽ tăng, nhất là ở khu vực TPHCM, nơi có nhu cầu rất lớn để xây dựng và san lấp mặt bằng nhưng lại không có nhiều mỏ đá và nguồn cát.
(Theo TBKTSG)