Nhiều con số về thị trường bất động sản “chưa phản ánh hết thực tế” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng nay, 24.1.
Nhiều con số về thị trường bất động sản “chưa phản ánh hết thực tế” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng nay, 24.1.
Theo số liệu thì hiện TPHCM đang tồn kho 42.230 căn hộ; Hơn 98 ngàn m2 văn phòng cho thuê, 1,9 triệu m2 sàn. Dư nợ cho vay BĐS hơn 85 ngàn tỷ, trong đó hơn 66 ngàn tỷ cho vay BĐS và hậu quả là hơn 4.100 tỷ dư nợ. Tại Hà Nội, 556.610 m2 sàn chung cư đang tồn kho. 3.483 căn biệt thự đang bỏ hoang. 175 ngàn m2 sàn cho thuê đang ế khách. Trên toàn quốc, tổng dư nợ BĐS lên tới 207.595 tỷ đồng với nợ xấu chiếm 6,5%.
Đánh giá về tình trạng “đóng băng” tại TP HCM, thị trường BĐS lớn nhất nước, Bộ trưởng cho biết tình trạng đóng băng đã bắt đầu từ 2008, đến nay đã 5 năm. Dư nợ vay BĐS TPHCM cũng lớn hơn, dù thống kê chưa đầy đủ.
Tình trạng giảm giá ở khu vực đất nền, Bộ trưởng Bộ Xây dựng “khẳng định chắc chắn”: Ít nhất 5%, cao nhất 50%. Trong khi đó, giá chung cư giảm bình quân 15-20 đến 30%.“Riêng tại TPHCM, giá đã hạ rất sâu, “có dự án đã thủng đáy do DN không chịu nổi lãi suất ngân hàng”.
Nhưng mức độ giảm này được đánh giá là “chưa phù hợp với khả năng thanh toán” - thậm chí, Bộ trưởng Dũng nói: “Người có khả năng vẫn cho rằng (giá đó) vẫn cao, nhà đầu tư vẫn còn lãi nhiều”. “Giảm giá có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khả năng của DN. Anh nào chiếm dụng được ít thì phải hạ giá nhiều”- Bộ trưởng nói.
Theo ông Dũng, nguyên do của tình trạng đóng băng BĐS là do tổng cung các dự án so với nhu cầu là “quá thừa”. Tuy nhiên, những sản phẩm cho người thu nhập thấp, trung bình, mà đại đa số người dân đang cần thì vẫn thiếu. Con số phản ánh nhu cầu được Bộ trưởng Dũng tính toán như sau: Dân số đô thị hiện khoảng 28,8 triệu người. Dự kiến tăng 1 triệu mỗi năm. Đến 2020 sẽ có 38 triệu dân đô thị. Nếu 10% số đó cần nhà chúng ta đã cần 1 triệu căn. Bộ trưởng nói đầy lạc quan “Cầu còn rất lớn, miễn phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và với sự hỗ trợ của ngân hàng”.
Đề xuất hàng loạt giải pháp: Chia nhỏ căn hộ. Hướng tới đối tượng người nghèo bằng chính sách nhà ở xã hội…, tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận: “Chúng ta còn nghèo nên phải đi chậm với những giải pháp phù hợp”.
Trả lời chất vấn rằng giải pháp tháo gỡ đã đủ mạnh chưa, Bộ trưởng nói “Chúng tôi muốn mạnh hơn”. Và vì thế, ông khuyến cáo: “Chúng ta không thể nóng ruột được”.
(Theo LĐ)