Theo quy định mới tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) không qua sàn sẽ bị phạt nặng.
Theo quy định mới tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) không qua sàn sẽ bị phạt nặng.
Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng nếu bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS (thuộc diện phải qua sàn giao dịch BĐS) mà không thông qua sàn giao dịch theo quy định. Hành vi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản tại sàn giao dịch BĐS không đúng trình tự, thủ tục quy định cũng có mức phạt tương tự.
Doanh nghiệp vi phạm bị phạt tiền, tước "bằng"
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh BĐS không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh hoặc vi phạm quy định về huy động vốn trong đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn bị phạt nặng hơn, từ 60 - 70 triệu đồng. Đặc biệt, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, nếu tái phạm, doanh nghiệp có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 1 đến 3 năm hoặc không thời hạn.
Giải thích về các quy định nêu trên, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS, từ 1/1/2007, các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS đã phải bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS qua sàn giao dịch BĐS. Do vậy, về lâu dài tất cả các giao dịch BĐS đều phải qua sàn giao dịch nếu không sẽ phạm luật.
Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thiện cho biết thêm, Nhà nước mới xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS, còn người dân (không kinh doanh) vẫn có quyền được mua - bán nhiều căn hộ, không có giới hạn. Trước mắt, các chế tài mới chỉ tập trung vào BĐS dự án và của doanh nghiệp.
Trên thực tế, mặc dù Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực, song tình trạng giao dịch nhà đất ngầm vẫn phổ biến cho thấy ý thức của người dân chưa cao. Nguyên nhân khiến người dân hiện chưa mặn mà với sàn giao dịch BĐS một phần do các sàn mới hình thành, nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Các sàn mới ra đời được quảng bá rầm rộ, nhưng cái cần nhất là cung cấp các dịch vụ tiện ích, đảm bảo, thuận lợi hơn trong giao dịch thì một số sàn lại chưa cung cấp được. Thậm chí, không ít người dân còn cảm thấy vào sàn giao dịch chưa hẳn đã được lợi mà chi phí môi giới lại cao hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi thị trường phát triển, người dân sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình minh bạch hóa các thương vụ giao dịch BĐS.
Qua sàn để tránh rủi ro
Phân tích những lợi ích khi giao dịch qua sàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá: "Nếu không qua sàn, tính rủi ro sẽ rất cao. Trước đây, người dân muốn mua BĐS rất khó. Đa phần phải qua nhiều mối quan hệ. Sàn giao dịch ra đời giúp cho doanh nghiệp có nơi để bày bán sản phẩm và khách hàng tiếp cận được dịch vụ BĐS dễ dàng hơn. Nếu mô hình, trình độ kinh doanh, tư duy của doanh nghiệp tốt có thể thúc đẩy các sàn phát triển. Hiện nay, sàn BĐS là mô hình mới, nhiều người còn chưa quen. Tuy nhiên, càng về sau, người dân càng ý thức được phải tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc mua bán qua sàn".
Trường hợp doanh nghiệp muốn bán ưu đãi giảm giá cho nhân viên có cần phải qua sàn giao dịch hay không, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, vấn đề này không chỉ liên quan đến Luật Kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng đến cả thuế. Nếu doanh nghiệp bán nhà giá ưu đãi cho nhân viên cũng có nghĩa lợi nhuận của công ty sẽ bị giảm. Lợi nhuận công ty giảm tức là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bị giảm sút. Đương nhiên, doanh nghiệp có quyền ưu đãi, trợ cấp cho nhân viên nhưng phải bằng nguồn hợp pháp của công ty, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Nguyễn Trần Nam phân tích: "Dưới góc độ tài chính, hỗ trợ kiểu này chưa hợp lý. Một công ty không thể báo cáo với cơ quan thuế, tôi chi 1 tỷ đồng hay vài tỷ đồng để tôi hỗ trợ cho công nhân viên mua nhà, sau đó lại dùng số tiền này hạch toán vào chi phí.".
(Theo KTĐT)