Sau gần hai năm, kể từ khi áp dụng quy định buộc giao dịch nhà đất phải thông qua sàn, theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có hơn 700 sàn giao dịch bất động sản.
Sau gần hai năm, kể từ khi áp dụng quy định buộc giao dịch nhà đất phải thông qua sàn, theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có hơn 700 sàn giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, không ít sàn giao dịch được thành lập mang tính đối phó và hoạt động của các sàn giao dịch rất lộn xộn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà, Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam, do quản lý lỏng lẻo, thiếu hậu kiểm nên hoạt động giao dịch BĐS qua sàn thời gian qua tồn tại hàng loạt bất cập. Theo quy định, sản phẩm khi được giao dịch qua sàn phải được niêm yết giá công khai. Nhưng thời gian qua, cùng một sản phẩm được tung ra thị trường, nhưng mỗi nơi công bố mỗi giá.
Đơn cử, tháng 6/2010, dự án căn hộ Đại Thành ở quận Tân Phú được nhiều sàn giao dịch BĐS phân phối với mức giá khởi điểm 13 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhằm lôi kéo khách hàng, nhân viên môi giới các sàn đã tung sản phẩm ra nhiều giá khác nhau, có nơi đưa ra đúng giá 13 triệu đồng/m2, kèm theo đó là nhiều hình thức khuyến mại, có nơi lại giảm giá xuống còn 12,9 triệu đồng/m2… Việc bán sản phẩm với nhiều loại giá khác nhau, khiến cho khách hàng không biết đâu là giá thật, đâu là giá ảo, dẫn đến tâm lý ngờ vực.
Đánh giá về thực trạng sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, riêng tại TP. HCM, hiện có gần 200 sàn giao dịch BĐS, hơn 6.800 chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được cấp và hơn 3.000 chứng chỉ thẩm định giá, chiếm hơn 40% của cả nước. Tuy nhiên, nhiều sàn hoạt động khi chưa đủ điều kiện, nhân viên môi giới trình độ kém, có sàn lập ra với mục đích phân phối dự án của mỗi chủ đầu tư.
Bà Bùi Thị Ý Như, Phó tổng giám đốc Công ty Mega Group cũng nhìn nhận, việc thành lập sàn BĐS thời gian qua nở rộ theo diện rộng, mới chỉ chú ý đến số lượng nhằm nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của Luật Kinh doanh BĐS. Còn chất lượng của các sàn chưa được chú ý tới nên mới có chuyện, sau 2 năm kể từ khi buộc BĐS giao dịch qua sàn, đến nay chỉ có khoảng 15% sản phẩm BĐS được giao dịch thông qua sàn.
"Bộ Xây dựng cho phép không giao dịch qua sàn tới 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án là nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp lách luật để huy động vốn bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS. Hoặc người ta chỉ tìm cách đưa các giao dịch BĐS qua sàn để hợp pháp hoá sản phẩm", bà Như nói và cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực tế này, xuất phát từ cả hai phía cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các sàn giao dịch BĐS.
Về phía quản lý nhà nước, dù đã ban hành luật nhưng chưa ban hành quy chế quản lý hoạt động các sàn giao dịch BĐS, trong khi thủ tục thành lập sàn giao dịch còn quá đơn giản và dễ dàng. Về phía các sàn, tính pháp lý của sàn hiện không cao, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, chưa tạo lòng tin cho khách hàng, khiến nhiều người e ngại giao dịch.
(Theo ĐTCK)