Trong tháng 9, giao dịch nhà phố tại sàn địa ốc ACBR tăng 70% so với tháng 8 song các sản phẩm dự án vẫn trầm lắng. Hiện giá căn hộ và đất nền không thay đổi, tỷ lệ tăng giá 0%, trừ vài dự án có vị trí đắc địa nhích nhẹ 0,3-2%.
Trong tháng 9, giao dịch nhà phố tại sàn địa ốc ACBR tăng 70% so với tháng 8 song các sản phẩm dự án vẫn trầm lắng. Hiện giá căn hộ và đất nền không thay đổi, tỷ lệ tăng giá 0%, trừ vài dự án có vị trí đắc địa nhích nhẹ 0,3-2%.
Thống kê của sàn địa ốc ACBR TP HCM, trong tháng 9, giao dịch thành công qua sàn đạt 18 sản phẩm, tăng 13 đơn vị so với tháng 8. Trong đó, các giao dịch thành công tập trung vào mảng nhà phố nội thành chiếm 98%, đất dự án chiếm 2%. Tương tự, các hoạt động khác như định giá bất động sản cũng nhảy vọt từ 95 lên 117 hồ sơ. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý, môi giới qua ACBR cũng tăng 10%.
Trong khi đó, chỉ số giá đất nền và căn hộ dự án tại hệ thống sàn giao dịch của Sacomreal và Vinaland lại không có dấu hiệu chuyển biến mà đi ngang trong cả tháng 9. Chỉ số do Vinaland thu thập được từ hệ thống sàn của đơn vị này, hơn 80% sản phẩm dự án trên địa bàn thành phố không tăng giá. Gần 20% dự án còn lại có tốc độ tăng giá trung bình từ 0,3 đến 2%.
Tại các sàn bất động sản của Sacomreal, hàng loạt các dự án ngoại thành giữ nguyên khung giá từ đầu tháng 9 đến nay. Chẳng hạn như dự án Him Lam 6 A (Bình Chánh) treo ở giá 18 triệu đồng mỗi m2, căn hộ The Mainson (Bình Chánh) giữ nguyên 14-15 triệu đồng mỗi m2. Tại quận 2, dự án The Vista có giá 1.700-2.100 USD mỗi m2, Estella kìm lại mức 1.900-2.100 trong suốt 30 ngày qua.
Tương tự, dự án Saigon Pearl tại quận Bình Thạnh dừng lại ở ngưỡng 2.300-3.200 USD mỗi m2, New Saigon Nhà Bè giậm chân tại chỗ ở mức 17-22 triệu đồng, dự án Everich (1.900-2.500 USD mỗi m2), căn hộ BMC tương lai tại quận 7 cũng không nhúc nhích khỏi cột mốc 14-23,3 triệu đồng trong cả tháng 9 vừa qua. Các dự án khác như Fortuna, Hoàng Anh Gia Lai 2, Phú Lợi, 586...đều ổn định tại khung giá trên thị trường bất động sản Sài Gòn.
Tổng giám đốc sàn địa ốc ACBR Phạm Văn Hải nhận định tình trạng trầm lắng của mảng thị trường nhà đất dự án sẽ còn kéo dài hết năm 2009 mới mong cải thiện được. Bởi lẽ, nguồn tài chính đổ vào các dự án vẫn còn eo hẹp, khách hàng chỉ dùng vốn nhàn rỗi tìm mua nhà có thể ở ngay.
Theo ông Hải, chỉ số giá và lãi suất ngân hàng đã giảm, thị trường cho vay bắt đầu mở cửa trở lại nhưng đối tượng cho vay phù hợp rất khó. Thêm vào đó, thị trường tài chính Mỹ gặp khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư nước ngoài và lượng kiều hối vào Việt Nam. Những yếu tố này dễ khiến tâm lý người mua dao động, chưa thật sự quan tâm đến thị trường bất động sản.
Tại hội nghị về tình hình bất động sản Việt Nam 2008 cuối tháng 9, chuyên viên tư vấn kinh tế Công ty TNHH Mekong Economics, ông Adam McCarty cho rằng, bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2008-2009 do ảnh hưởng từ chuỗi suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo ông Adam McCarty, vì Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu cao nên sẽ bị rúng động từ chính sách siết chặt nhập khẩu của các thị trường tiêu thụ tại châu Âu. Từ đó, nguồn ngoại hối chảy vào bất động sản cũng bị cắt đột ngột do mức tăng trưởng của thị trường này đang giảm dần.
Nhiều chuyên gia địa ốc, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nhận định, phát triển và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay đòi hỏi chữ "nhẫn" rất lớn và độ rủi ro cao.
Thanh Lê