Những khó khăn về tiếp cận vốn, hàng hóa tồn kho, đầu ra khó… đã được
nhiều doanh nghiệp “tố khổ” trước hội nghị DN TP Hà Nội diễn ra ngày
22/3 với sự tham gia của lãnh đạo thành phố.
Những khó khăn về tiếp cận vốn, hàng hóa tồn kho, đầu ra khó… đã được nhiều doanh nghiệp “tố khổ” trước hội nghị DN TP Hà Nội diễn ra ngày 22/3 với sự tham gia của lãnh đạo thành phố.
Giảm lãi suất ngay lập tức
Tại hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, tình hình sản xuất hiện rất khó khăn và ghi nhận TP đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - phàn nàn: “TP chưa có nhiều giải pháp kích cầu đầu ra, giải quyết hàng tồn kho. Hiện chưa có sự gắn kết giữa các nhà sản xuất trong nước, thiếu chương trình xúc tiến thương mại trong nước...” .
Ông Hiển cũng kiến nghị, để tạo sự gắn kết với các doanh nghiệp, ít nhất 3 tháng 1 lần, lãnh đạo TP và các sở, ngành TP họp với các hiệp hội, doanh nghiệp thảo luận các chuyên đề cụ thể để đưa ra các chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội - chia sẻ, năm 2012 niềm tin của các doanh nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng. TP không nhất thiết thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn mà nên dành nguồn lực thu hút các dự án nhỏ, công nghiệp phụ trợ.
Hiện vấn đề tồn kho cao không sợ bằng tồn kho thấp, nhiều doanh nghiệp đã bán hết hàng nhưng không thu hồi được vốn. Theo đó, nếu TP còn nợ vốn các công trình xây dựng cơ bản, cần thanh toán cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”. Theo đề xuất của ông Phương, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp cần trúng và đúng, theo ngành hàng.
Ông Trần Thanh Sơn - Tổng GĐ Tổng Cty Thương mại Hà Nội - bày tỏ: “Lãi suất ngân hàng của nước ta giảm, nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Để đẩy mạnh xuất khẩu, đề nghị TP và Ngân hàng NN điều chỉnh tỉ giá USD so với đồng VN. TP tiếp tục hỗ trợ xây dựng xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn”.
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đều lên tiếng đề nghị TP kiến nghị lên Chính phủ để chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất ngay xuống dưới 10%, chứ không phải các gói ưu đãi, hỗ trợ với mức lãi suất 11 - 12%.
Lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trả lời các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Sương - GĐ NHNN TP.Hà Nội - cho biết, đến nay, NHNN TP.Hà Nội chưa hề nhận được một phản ánh nào của các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay vốn mà không vay được vốn ngân hàng hoặc kiến nghị là khó khăn quá, cần được giúp đỡ. Nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện được vay vốn mà chưa tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, đề nghị cung cấp thông tin để chúng tôi rà soát tại các ngân hàng đểcó biện pháp”.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn khẳng định, sẽ không để một tiêu cực nào xảy ra trong quá trình làm thủ tục, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh. GĐ Sở KHĐT Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong năm nay TP sẽ bổ sung nguồn quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ lãi suất...
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2013 trên địa bàn Hà Nội cho thấy tuy tăng trưởng, nhưng chưa chắc chắn. TP dành 50 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài. Chủ tịch TP đề nghị Sở Công Thươngtriển khai ngay nguồn vốn này, hạn chế độ trễ của chính sách.
Đề cập đến gần 6.000 căn hộ chung cư, hàng ngàn căn biệt thự tồn kho, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng chính quyền tích cực hỗ trợ là một mặt, còn mặt khác các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm đầu ra, tăng cường hợp tác, không thể ngồi chờ chính sách hỗ trợ.
Tình trạng doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, găm hàng chờ giá cao thì khả năng xảy ra thiệt hại là không tránh khỏi. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất mà TP đưa ra lúc này là Nhà nước mua lại các căn hộ thương mại để chuyển sang nhà tái định cư, thu nhập thấp. Mặc dù TP đã gửi văn bản đề nghị, mời chào các chủ đầu tư bán lại, nhưng các doanh nghiệp lại không mặn mà.
Theo Laodong