Trước những việc làm mang tính áp đặt, không minh bạch và vi phạm trắng trợn thỏa thuận góp vốn mua nhà đã ký giữa 2 bên, bà Đào Thị Tâm đã làm đơn “tố” các sai phạm của Tập đoàn Nam Cường.
Trước những việc làm mang tính áp đặt, không minh bạch và vi phạm trắng trợn thỏa thuận góp vốn mua nhà đã ký giữa 2 bên, bà Đào Thị Tâm đã làm đơn “tố” các sai phạm của Tập đoàn Nam Cường.
Bà Đào Thị Thanh Tâm, trú tại số 9, ngõ 25, phố Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh:
Ngày 22/4/2009 tại bản thỏa thuận góp vốn số 328C-DN/TT, bà Tâm có thỏa thuận góp vốn để được mua nhà và đất của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường tại phân khu C, Khu đô thị Dương Nội, Hà Nội, ô đất ký hiệu U04 - L21. Trong bản thỏa thuận này đã nêu rõ giá đất (100m2) là: 1.700.000.000đ, giá phần xây thô căn nhà là: 1.200.000.000đ tương đương 3.000.000đ/m2 sàn xây dựng, giá này là giá tạm tính, (giá quyết toán chính thức được tính trên cơ sở dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt được điều chỉnh theo đơn giá nguyên vật liệu, máy thi công và nhân công tại thời điểm triển khai xây dựng phần thô căn nhà do cơ quan nhà nước ban hành).
Như vậy có thể hiểu là giá chính thức có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào giá nguyên vật liệu, nhân công trên cơ sở nhà nước quy định. Thực hiện thỏa thuận trên, bà Tâm đã đóng đầy đủ số tiền đất và đã nhận bàn giao đất tại biên bản bàn giao số 219BBBGĐ/NC ngày 16/1/2010 của Tập đoàn Nam Cường.
Sự việc trớ trêu xảy ra, vào ngày 27/8/2011, bà Tâm nhận được hồ sơ dự toán của Tập đoàn Nam Cường về việc xây thô căn nhà trên nhưng với dự toán là 1.816.752.000đ, thấy số tiền chênh lệch quá lớn so với thỏa thuận ban đầu. bà Tâm đã đến trực tiếp Sàn giao dịch bất động sản (Sàn GDBĐS) Nam Cường để hỏi và yêu cầu giải đáp nhưng cán bộ Sàn giao dịch không giải đáp được các thắc mắc của bà Tâm.
Cực chẳng đã, bà Tâm có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường không đồng tình với cách tính giá mang tính áp đặt vô lý của Tập đoàn này biểu hiện ở các nội dung sau:
Trong thỏa thuận góp vốn ban đầu giữa 2 bên là nhà xây thô, nhưng trong bản dự toán phía Tập đoàn Nam Cường lại tính luôn cả phần hoàn thiện bên ngoài, khi thắc mắc vấn đề này, phía Tập đoàn Nam Cường đưa ra cách giải quyết là nếu bà Tâm không muốn hoàn thiện bên ngoài thì có thể làm đơn gửi Tập đoàn Nam Cường để xem xét? Điều này rất vô lý vì bà Tâm đã được thực hiện đúng cam kết giữa 2 bên, phía Tập đoàn Nam Cường đã không thực hiện đúng những gì đã ký với bà Tâm thì người làm đơn đề nghị chỉ có thể là Tập đoàn Nam Cường chứ không thể là bà Tâm được.
Khi tính giá chính thức xây thô căn nhà trên nếu tăng (hoặc giảm) so với giá tạm tính ban đầu trong thỏa thuận góp vốn phía Tập đoàn Nam Cường phải mời các nhà đầu tư đến thông báo giá và giải thích rõ giá tăng (hoặc giảm) là vì sao chứ không phải là bằng một thông báo nộp tiền với số tiền chênh lệch quá lớn so với dự toán ban đầu kèm lời dọa phạt hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng theo thông báo.
Trong bản hồ sơ dự toán, phía Tập đoàn Nam Cường có căn cứ vào công bố giá vật liệu xây dựng số 01/2011 của Liên Sở Tài chính – Xây dựng Hà Nội ngày 1/3/2011. Tuy nhiên khi chúng tôi tìm được bản công bố này thì thấy rằng giữa giá vật liệu của Liên Sở Tài chính – Xây dựng và giá vật tư mà Tập đoàn Nam Cường áp dụng để bắt nhà đầu tư chi trả chênh lệch quá lớn.
Giải đáp thắc mắc tại sao giá vật tư phải theo quy định của nhà nước như đã thỏa thuận với nhà đầu tư mà phía tập đoàn lại không thực hiện? Phía Tập đoàn Nam Cường cho rằng tập đoàn có Ban vật giá, Ban này tự ra thị trường khảo sát giá sau đó về báo cáo Tập đoàn để tập đoàn phê duyệt.
Bà Tâm cho rằng việc làm này là vi phạm nghiêm trọng cam kết ban đầu giữa hai bên và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đẩy giá nhà cao gấp 1,5 lần so với giá tạm tính ban đầu giữa hai bên.
Ngoài ra, một số khách hàng mua nhà của Tập đoàn Nam Cường cho hay: Nếu tính đúng quy định như công bố của Liên Sở Tài chính – Xây dựng (điều này là bắt buộc vì đã được ghi trong thỏa thuận góp vốn) thì giá xây thô căn nhà này không đến 1.200.000.000đ.
Dự án xây dựng hàng ngàn căn nhà như vậy, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch là rất cần thiết, tổ chức đấu thầu đúng quy định có thể giúp giá thành xây dựng nhà giảm đi rất nhiều, tuy nhiên trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng Tập đoàn có tổ chức đấu thầu không? Phương thức đấu thầu như thế nào? Đại diện tập đoàn Nam Cường chỉ trả lời là có tổ chức đấu thầu, còn đấu thầu rộng rãi hay hạn chế hay chỉ định thầu…thì phía Tập đoàn Nam Cường không giải thích được.
(Theo Dân trí)