Trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, hàng loạt khu resort đều kín chỗ. Xu hướng mới cho thấy, nhu cầu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, hàng loạt khu resort đều kín chỗ. Xu hướng mới cho thấy, nhu cầu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Theo thống kê của Vụ khách sạn Tổng cục du lịch, tính đến thời điểm tháng 3/2010, tại Việt Nam đã có 98 resort đăng ký đưa vào hoạt động với 8.150 phòng, trong đó 60 resort đã được xếp hạng (6 năm sao, 27 bốn sao, 20 ba sao, 3 hai sao và 4 một sao). Tuyến điểm tập trung nhiều nhất các khu resort phải kể đến Mũi Né (Bình Thuận) với 68 resort hiện đang hoạt động.
Các resort dọc bờ biển, từ Bắc vào Nam, nhất là khu vực miền Trung chạy dài từ Quảng Bình đến Phan Thiết, Phú Quốc... rất được khách ưa chuộng để tắm biển kết hợp thăm thú nhẹ nhàng. Có thể liệt kê những thương hiệu resort khá nổi tiếng như: Furama, Nam Hải (Đà Nẵng), Sài Gòn – Phú Quốc (Kiên Giang), Ana Mandara, Six Senses Hideaway, Vinpearl Land, Evason Hideaway (Nha Trang), Victoria, Sài Gòn – Mũi Né, Palmira, Blue Ocean, Coco Beach, Sea Horse, Phú Hải Resort (Phan Thiết), Life Resort (Quy Nhơn), An Bình Resort, Long Hải Resort (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hội An Riverside, Victory (Quảng Nam), Bãi Tràm Hideaway (Phú Yên),…
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, ngành du lịch tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với số lượng khách nội địa đạt 14,8 triệu lượt trong thời gian này, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, miền trung là khu vực mà nhiều khách du lịch quan tâm. Với vị trí gần các bãi biển đẹp, giao thông thuận tiện và nhiều khu du lịch nổi tiếng, các khách sạn và resort tại khu vực này hầu như kín chỗ vào mùa du lịch, nghỉ lễ. Theo phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, resort 5 sao đến các khách sạn, nhà nghỉ ven đường biển đều kín chỗ vào mùa du lịch, lễ hội, nghỉ lễ. Xu hướng khách du lịch hai đầu đất nước đổ về miền Trung chủ yếu để tắm biển và nghỉ dưỡng.
Khu vực phía Bắc, du lịch nghỉ dưỡng có thể kể tới một số địa điểm ven biển Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh) hay một số tỉnh miền núi Hòa Bình, Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, số lượng các khu resort đẳng cấp đi hoạt động vẫn còn ít, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, giám đốc Công ty Mekong Travel nhận định, xu hướng khách đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Nhiều du khách Việt lựa chọn các khu resort để thực sự nghỉ ngơi, khách hay chọn hành trình ngắn ngày, di chuyển ít.
Theo các chuyên gia lữ hành dự đoán, xu hướng này sẽ ngày càng tăng, bởi cơ cấu khách nội địa đi nghỉ ở resort đã chiếm tới 20% ở nhiều doanh nghiệp.
Ông Robert McIntosh, giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel cho biết, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam mới hình thành và còn khá non trẻ. Mặc dù vậy, thị trường đã thay đổi nhiều từ giai đoạn trước khủng hoảng, với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và có nhiều lựa chọn hơn.
Với ưu thế một điểm đến mới mẻ, chưa được khám phá nhiều, nhiều dự án đã được giới thiệu và hòan thiện thành công trong những năm qua, chứng tỏ Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đầy hứa hẹn cho đầu tư khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng.
Nguyễn Hưng