Việc xây dựng phải cân đối với cơ sở hạ tầng có sẵn của khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng các ngõ nhỏ bị bủa vây bởi hàng loạt chung cư đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây phiền hà tới cuộc sống của người dân.
Những chung cư mọc "tua tủa" trong ngõ nhỏ là điều dễ thấy
tại Hà Nội và Tp.HCM hiện nay
(Ảnh minh họa: Internet)
Ngõ nhỏ oằn mình gánh chung cư
Đường vào chung cư Mỹ Đức nằm trong ngõ 220 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM (chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng số 5) có chiều rộng chỉ khoảng 5m, ngõ dài khoảng 200m. Hai bên ngõ nhỏ này, nhiều người dân tận dụng mở hàng quán khiến ngõ đã nhỏ lại càng chật chội hơn. Khu chung cư nói trên gồm 800 căn hộ với hơn 2400 cư dân.
Để hiểu rõ hơn thực trạng sinh sống tại khu vực này, phóng viên vào vai người mua nhà và tìm đến một người bàn nước trước cổng chung cư. Cô này gay gắt: “Đừng có dại mà chui vào đây vì kẹt xe xảy ra liên miên”. Cô chia sẻ, nhà cô nắm rất rõ tình hình khu vực này vì nhà cô ở đây từ lúc chưa xây dựng chung cư. “Đưa chung cư vào đây mà không lo quy hoạch giải tỏa cho đường rộng ra. Xe trong chung cư đã nhiều, xe ở ngoài cũng gửi thêm nữa. Ra ra vào vào, bảo sao không kẹt xe” - cô than thở.
Qua trò chuyện, phóng viên được biết, nhiều người dân sống trong khu vực cũng hoài nghi, nếu có sự cố xảy ra thì xe cứu hỏa đi vào kiểu gì khi ngõ nhỏ chật hẹp như thế?!
Một cư dân sống tại tầng 17 của tòa nhà bức bối chia sẻ, mỗi chiều, chị đều không dám cho con xuống ngõ chơi vì xe cộ chật cứng, khói bụi, tiếng ồn,... rất sợ. Tình trạng tắc kín ngõ mỗi buổi sáng cũng xảy ra thường xuyên vì là giờ cao điểm, mọi người thì đi lại nhiều.
Cũng gần khu vực này, tại hẻm 280 đường Bùi Hữu Nghĩa, chung cư Mỹ Phước nằm chình ình trong hẻm nhỏ. Đáng nói, giữa lối vào chung cư lại có một ngã ba ở đó. Chú Sơn, một người bán tạp hóa gần chung cư cho biết: “Chung cư này cũng nhận trông giữ xe bên ngoài, cộng thêm điểm đón taxi ngay trong sân nên lượng ô tô ra vào rất lớn, gây kẹt xe thường xuyên”. Bởi những nguyên nhân trên, tình trạng tắc đường xảy ra triền miên, không có lối thoát.
Lối vào một chung cư cao 10 tầng với 50 căn hộ, trung tâm thương mại nằm tại góc hai hẻm trên đường Tô Hiến Thành và đường Thành Thái tại quận 10 chỉ vừa đủ cho một xe ô tô. Khu đất này cũng chỉ rộng hơn 1200m2...
3 chung cư nằm sát nhau tại con hẻm dài chưa đầy 1km, rộng khoảng 5m (hẻm 284 đường Lũy Bán Bích tại quận Tân Phú) là chung cư Lotus Garden với 2 block cao 21 tầng gồm 596 căn hộ.
Ngay gần đó, đối diện chung cư Lotus Garden là chung cư khác gồm 3 block với 523 căn hộ, 1.200 chỗ để xe máy và 100 chỗ đậu ô tô. Không chỉ có vậy, ngay trong hẻm nhỏ đó còn có một khu chung cư khác đang trong quá trình xây dựng với hàng trăm căn hộ. Quá tải và ách tắc là điều xảy ra như cơm bữa.
Có cháy nổ, xe biết vào lối nào?
Về vấn đề này, ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn bất động sản Việt Nam cho rằng, hẻm nhỏ phải "gánh" quá nhiều chung cư là điều nguy hiểm. Điều này sẽ khiến quá tải hạ tầng giao thông, đồng thời gây ra tắc đường, ngập nước, các hạ tầng dịch vụ khác cũng bị quá tải... Đặc biệt, an toàn phòng cháy chữa cháy cũng bị đe dọa. Ông Trinh đặt ra giả thuyết, khi có cháy, xe cứu hỏa sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận đám cháy bởi hẻm quá nhỏ lại còn bị cơi nới, lấn chiếm...
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đánh giá, thực trạng trên là hệ quả của việc cấp phép quy hoạch trên giấy, dựa vào quy hoạch đường dự phóng chứ không dựa vào thực tế.
Ông Châu dẫn chứng, có nhiều con hẻm thực tế chỉ có 4 đến 5m nhưng trong quy hoạch lộ giới thì lên đến 20 - 30m. Cơ quan nhà nước lại chỉ biết xem trong quy hoạch và đồng ý cho doanh nghiệp làm dự án.
Bởi thế, ông Châu cho rằng, việc cấp phép xây dựng cần được chặt chẽ, nghiêm túc và cần có đi khảo sát thực tế.