Với hơn 700 sàn giao dịch, cùng hàng ngàn doanh nghiệp có chức năng môi giới địa ốc, hoạt động môi giới BĐS đang cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay.
Với hơn 700 sàn giao dịch, cùng hàng ngàn doanh nghiệp có chức năng môi giới địa ốc, hoạt động môi giới BĐS đang cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay.
Môi giới “ngoại” cũng “trảm”
Chưa bao giờ những người quan sát thị trường BĐS lại chứng kiến cảnh "thay ngựa giữa đường" tại các dự án kinh doanh BĐS nhiều như hiện nay.
Đầu tiên phải kể đến Dự án Indochina Plaza Hanoi (IPH) của chủ đầu tư Indochina Capital, qua việc gạt Savills Việt Nam ra khỏi tư cách "tiếp thị độc quyền" Dự án.
Năm 2009, Công ty TNHH Savills Việt Nam ký hợp đồng với chủ đầu tư về độc quyền tiếp thị và phân phối căn hộ tại dự án này. Tuy nhiên, do tiến độ bán hàng không như mong muốn, Savills đã phải chấp nhận chia sẻ "miếng bánh" với CBRE Việt Nam…
Với CBRE Việt Nam, năm 2008, Tập đoàn Vincom đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược cho phép công ty này là đại diện bán hàng và tiếp thị cho tất cả các dự án mang thương hiệu Vincom. Tuy nhiên, từ quý III/2010, Vincom đã chấm dứt thoả thuận này và văn phòng của CBRE cũng sẽ dời khởi Toà tháp Vincom ở phố Bà Triệu (Hà Nội) để sang "nơi ở" mới là Toà tháp BIDV trên đường Trần Quang Khải (Hà Nội).
Cũng trong năm 2010, chủ đầu tư Dự án Mulberry Lane (quận Hà Đông, Hà Nội) đã nói lời tạm biệt với hàng loạt công ty môi giới địa ốc nước ngoài nhằm cải thiện tình hình bán hàng.
Tương tự, Khu căn hộ Dự án CanalPark (quận Long Biên) sau một thời gian bắt tay cùng Cushman Wakefied và CBRE... cũng đã chấm dứt hợp tác với các đối tác này.
Theo bà Lan Anh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, trong điều kiện khó khăn của thị trường BĐS, các chủ đầu tư trở nên ít kiên nhẫn hơn. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư dự án buộc phải cắt giảm hợp đồng hợp tác, giảm bớt quản lý một số khâu, phân khúc trong dự án, để nâng cao tính thanh khoản và giảm chi phí.
Hệ quả là, các đơn vị môi giới chỉ có thời gian 3 - 6 tháng để đàm phán với chủ đầu tư. Sau khoảng thời gian đó, nếu tiến độ bán hàng không hiệu quả, đơn vị môi giới có thể bị "trảm", dù có mác ngoại.
Môi giới "nội" lao đao
Tổng kết hoạt động năm 2010 của các sàn giao dịch BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2010 là năm giới đầu tư, kinh doanh địa ốc phải chứng kiến nhiều thăng trầm của thị trường.
Trong khi thị trường BĐS khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, khá trầm lắng, thì thị trường Hà Nội lại diễn biến hết sức phức tạp. Phân khúc chung cư cao cấp suy giảm, thị trường đất nền nóng lạnh thất thường. Nhiều công ty kinh doanh BĐS không đạt doanh thu đề ra.
Theo một số thành viên mạng Sàn BĐS Việt Nam, năm 2010, nhiều sàn giao dịch BĐS phía Nam phải với tay ra khu vực phía Bắc (Hà Nội) để tìm kiếm thị trường, như Sacomreal, Đất Xanh, Đại Việt, Becamex, Phương Trang...
Mỗi sàn có chiến lược kinh doanh riêng để tồn tại trong thời gian khó khăn hiện nay và tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không ít sàn BĐS gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ và phải chạy lo doanh thu hàng tháng để có tiền trả lương cho nhân viên.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, năm nay, với sự hiện diện của hơn 700 sàn giao dịch BĐS, cùng hàng ngàn doanh nghiệp có chức năng quản lý, môi giới địa ốc, trong điều kiện thị trường BĐS chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, chắc chắn "cuộc chiến" giành thị phần môi giới BĐS sẽ còn khốc liệt.
(Theo Đầu tư)