Những khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng là việc không ai muốn và hẳn nhiên sẽ có rất nhiều bài học được rút ra.
> Doanh nghiệp thép: Làm gì để sống khỏe?
Đi đôi với những quan ngại về sự ảm đạm của thị trường bất động sản (BĐS), những lo lắng lại không ngừng gia tăng ở thị trường phụ trợ của lĩnh vực này: thị trường vật liệu xây dựng (VLXD).
Những con số thống kê lượng hàng tồn kho ấn tượng từ sản xuất thép, xi măng từ nửa cuối năm 2011 cho đến hết quý I-2012 và những dự báo không mấy sáng sủa trong thời gian tới đã khiến những người yếu bóng vía dễ dàng liên tưởng đến sự “vỡ trận” của ngành này.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết tính đến hết ngày 31-3, lượng thép tồn kho toàn ngành là 288.000 tấn, phôi thép 510.000 tấn. Con số này, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam là “đáng mừng” vì thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (tồn kho thép 392.000 tấn).
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ thép 3 tháng đầu năm cũng thấp hơn cùng kỳ 10%. Ngành xi măng không khả quan hơn khi theo báo cáo của Bộ Công Thương, lượng xi măng sản xuất của toàn ngành trong thời gian này chỉ đạt 12,1 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, toàn ngành sản xuất được 5,3 triệu tấn xi măng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung quý I-2012, sản lượng xi măng ước đạt 20,1% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của thị trường vẫn khá yếu do thị trường BĐS đóng băng dẫn đến hàng tồn kho tiếp tục gia tăng. Theo Bộ Xây dựng, lượng xi măng dư thừa trong năm 2012 ước tính 8-10 triệu tấn, tăng mạnh so với năm 2011.
Trên thực tế, câu chuyện sản xuất - tồn kho của ngành VLXD, trong đó thép và xi măng là 2 đại diện tiêu biểu, đã được đề cập đến từ lâu. Đã có thời kỳ dư luận “choáng” vì dù nhu cầu trong nước hạn chế, xuất khẩu khó khăn, nhưng cả ngành thép và xi măng vẫn liên tục “vỡ” quy hoạch với những dự án khổng lồ tiếp tục được cấp phép tại các địa phương.
Điều này dẫn đến thực trạng: Hiện nay cả nước có 462 doanh nghiệp sản xuất thép, tăng gần 6 lần so với năm 2000 với tổng năng lực sản xuất mỗi năm 2,13 triệu tấn gang, 7,54 triệu tấn phôi thép, 10,87 triệu tấn thép dài, 3,35 triệu tấn thép dẹt, 2,18 triệu tấn thép ống, hộp, 2,48 triệu tấn tôn mạ.
Công suất thép xây dựng cả nước đã lên đến 9 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ cả nước năm 2012 dự kiến chỉ đạt gần 6 triệu tấn/năm. Điều đáng nói, vẫn còn 32 dự án ngoài quy hoạch được coi là nguyên nhân lõi của cuộc khủng hoảng ngành thép hiện nay.
Riêng về ngành xi măng, mặc dù sức mua kém, tiêu thụ sản phẩm giảm nhưng trong năm 2012 cả nước dự kiến tiếp nhận thêm 7-8 dự án nhà máy xi măng đi vào hoạt động, với công suất xấp xỉ 7 triệu tấn/năm, nâng công suất cung ứng ra thị trường lên 77 triệu tấn/năm, cao hơn 25 triệu tấn so với nhu cầu thực tế.
Vì vậy, sự dư thừa là hiển nhiên. Sản xuất các ngành trên có biểu hiện thiếu bền vững: Giai đoạn “đói góp” đã qua và nay là giai đoạn “no dồn” cũng không dễ chịu hơn bởi tình trạng bội thực về sản lượng.
Một điều đáng ngạc nhiên là những người trong ngành thép và xi măng đều rất dè dặt khi nói về những kiến nghị tháo gỡ. Bởi theo họ, với sự liên thông mạnh mẽ với thị trường xây dựng - BĐS, một khi thị trường này còn hiu hắt như hiện nay khó mà vực dậy ngành VLXD một sớm một chiều.
Chỉ khi nào thị trường BĐS được vực dậy, thị trường VLXD mới khởi sắc. Thẳng thắn hơn, một lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng hãy để thị trường giải bài toán này, bởi những doanh nghiệp uy tín vẫn tiếp tục tồn tại, doanh nghiệp làm ăn kém, chụp giật cần phải đào thải, doanh nghiệp phải tự cân đo được khả năng của mình để đề ra phương hướng kinh doanh phù hợp.
Những khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng là việc không ai muốn và hẳn nhiên sẽ có rất nhiều bài học được rút ra. Ngoài ra, điều này một lần nữa cho thấy công tác quy hoạch còn quá lỏng lẻo, dẫn đến vỡ quy hoạch toàn ngành, năng lực sản xuất dư thừa gây lãng phí đầu tư lớn đã được thể hiện rõ.
Đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cho những nhà hoạch định chính sách và cả các doanh nghiệp tiến gần hơn với nhu cầu thực tế, tránh được những cuộc khủng hoảng tương tự về sau.
(Theo SGĐTTC)