Ông Nguyễn Vinh, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản
tại Mỹ đã chia sẻ những kinh nghiệm giải cứu thị trường bất động sản, bài học
từ nước Mỹ.
Ông Nguyễn Vinh, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản tại Mỹ đã chia sẻ những kinh nghiệm giải cứu thị trường bất động sản, bài học từ nước Mỹ.
Ông Vinh là một Việt kiều Mỹ từng tham gia Hội đồng thành viên điều hành Hiệp hội bất động sản Á - Mỹ, thành viên Hiệp hội bất động sản Mỹ.
- Thị trường bất động sản Mỹ vừa trải qua một đợt suy thoái khủng hoảng. Vậy, ông có thể cho biết hiện nay thị trường diễn biến như thế nào và Chính phủ Mỹ đã có những động thái gì để cứu thị trường?
Thị trường bất động sản Mỹ bắt đầu suy thoái khủng hoảng khoảng cuối năm 2006, cho đến nay đã được 6 năm rồi trong khi mỗi đợt suy thoái ở Mỹ thường kéo dài 2 năm. Lần này nó kéo dài ngoài sự mong muốn của mọi người, một phần theo tôi nghĩ là vì Chính phủ không can thiệp mà đứng bên lề khá lâu cho tới khoảng cuối năm 2007, đầu 2008 mới có động thái can thiệp thị trường.
Yếu tố rất quan trọng là phần chấn an thị trường, bởi vì không có can thiệp nên mọi người rất bi quan, và tâm lý bi quan đó vô hình trung thành ra họ đã tự giết mình, làm thị trường ngày càng bấp bênh ảm đạm hơn.
Khi Chính phủ tác động vào thị trường, họ đã đưa ra những đề án rất lớn, hứa hẹn nhiều để chấn an thị trường. Từ Tổng thống, Quốc hội đến Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, tất cả đều quan tâm lên tiếng chấn an dư luận, đưa ra nhiều chương trình lên đến hàng nghìn tỷ USD rót vào bất động sản. Thực sự cho đến nay, số tiền đó cũng chưa có sử dụng hết nhưng mục tiêu chủ yếu là để chấn an dư luận.
- Khi thị trường khó khăn, vai trò định hướng, điều tiết của chính sách nhà nước rất cần thiết?
Đúng vậy, khi ông Bush đang tại vị thị trường bất động sản Mỹ đã khủng hoảng, một trong những suy nghĩ của Đảng Cộng hoà là Chính phủ không nên can thiệp vào thị trường, để thị trường tự điều tiết lấy. Nhưng khi thị trường không làm được điều đó thì Chính phủ phải nhảy vào, đây là điểm mấu chốt quan trọng.
Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ phải điều tiết rất ít, hành động vừa đủ để không làm quá, làm quá nhiều khi phản tác dụng. Chính vì vậy nên một số điều khoản họ đưa ra lại ảnh hưởng không tốt cho thị trường.
- Vậy với thị trường bất động sản Việt Nam, ông có ý kiến như thế nào?
Tôi lấy ví dụ, người Việt Nam bỏ tiền đầu tư trong ngân hàng rất nhiều mà ngân hàng lại không cho vay và người dân cũng không muốn bỏ tiền đầu tư lĩnh vực khác vì rủi ro khi không có sự bảo đảm nào hết.
Giả sử Chính phủ hoặc ngân hàng có thể cho vay để giúp những dự án với điều kiện Chính phủ đảm bảo một phần rủi ro nào đó. Bảo đảm đây là Chính phủ có thể lập ra một cái bảo hiểm, đó là người đầu tư khi họ vay, họ phải trả tiền thêm cho sự bảo đảm đó.
Khi có sự bảo đảm, người dân thay vì đầu tư trong ngân hàng sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu, có nguồn tiền thực hiện các dự án.
N.T (Ghi)