M&A ở lĩnh vực bất động sản lại tỏ ra khó khăn. Thống kê của UBND TP.HCM cho thấy, số lượng dự án bất động sản thực hiện theo hình thức M&A rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Tổng giám đốc Công ty Hasu Việt Nam cho biết, nhu cầu tiếp quản dự án bất động sản qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hiện rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện M&A thì nhiều dự án lại chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Đó là, phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn và phải có các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng với nội dung tiến độ dự án đã được phê duyệt.
Thông tin từ Phòng đăng ký Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho hay, quý III, IV/2011, đã có 12 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án bất động sản theo hình thức liên doanh được cấp. Từ đầu năm tới nay, cũng có nhiều dự án trong lĩnh vực này nộp hồ sơ. Đa phần các đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore với tỷ lệ vốn góp tới 70-85%.
Trong khi đó, M&A ở lĩnh vực bất động sản lại tỏ ra khó khăn. Thống kê của UBND TP.HCM cho thấy, số lượng dự án bất động sản thực hiện theo hình thức M&A rất hạn chế.
Ông Masayuki Noguchi, thành viên của Hiệp hội Bất động sản Nhật Bản cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng là cơ hội để đầu tư theo hình thức M&A. Tuy nhiên, nhiều dự án tại Việt Nam còn trong giai đoạn bồi thường giải tỏa mặt bằng hoặc mới chỉ có chủ trương đầu tư. Các đơn vị tư vấn cũng giải thích, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các dự án loại này không được chuyển nhượng. Để hút vốn, một số chủ đầu tư đưa ra phương án liên doanh theo tỷ lệ góp vốn nhà đầu tư nước ngoài 80%, nhà đầu tư trong nước 20%. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư Việt Nam sẽ “thoái” phần vốn của mình tại liên doanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài rất đắn đo trước những rủi ro về pháp lý của phương án này. “Thực tế đã xảy ra tranh chấp tại một dự án bất động sản ở tỉnh Long An, khi nhà đầu tư nước ngoài giải ngân theo hợp đồng liên doanh để nhà đầu tư Việt Nam thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng do tác động của thị trường khiến những lợi ích của một trong hai bên trong hợp đồng liên doanh không còn như lúc ban đầu thảo thuận khiến phát sinh tranh chấp. Tại thời điểm tranh chấp, liên doanh chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư nên khoản vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được xem là một khoản vay của nhà đầu tư Việt Nam”, ông Masayuki Noguchi chia sẻ.
Ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng Đại diện Aureos Capital Việt Nam nhận định, xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn trong năm 2012. Để tạo điều kiện cho hoạt động này, các cơ quan quản lý hãy để thị trường chi phối, song cần tạo ra khung pháp lý rõ ràng hiệu quả, không nên can thiệp quá sâu vào các thương vụ này.
(Theo Baodautu)