Một dự án kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư đã đề nghị giá đền bù, đang
thương lượng trả cho dân, nhưng UBND quận 2 bất ngờ áp giá đền bù mới
khiến người dân có nguy cơ “mất trắng” hàng chục tỷ đồng.
Một dự án kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư đã đề nghị giá đền bù, đang thương lượng trả cho dân, nhưng UBND quận 2 bất ngờ áp giá đền bù mới khiến người dân có nguy cơ “mất trắng” hàng chục tỷ đồng.
“Bất hợp lý” này xảy ra tại dự án khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại - dịch vụ Vinaconex (quy mô 8ha) do Công ty cổ phần đầu tư Thảo Điền làm chủ đầu tư.
Dân mất hàng chục tỷ đồng do “hai giá” đền bù
Đó là trường hợp gia đình ông Ngô Thanh Khiêm (xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền) có hơn 2.500m2 nằm trong dự án.
Cuối tháng 12/2010, Công ty Thảo Điền (đại diện là bà Vũ Thị Thu Trang) ra thông báo thoả thuận bồi thường diện tích đất và tài sản gắn liền trên đất đối với hộ ông Khiêm số tiền gần 77 tỷ đồng.
Ở cuối văn bản, công ty này “gia hạn” trong một tuần nếu gia đình không đồng ý mức giá trên thì thoả thuận này “đương nhiên không còn hiệu lực” (?)
Thế nhưng đang trong thời gian thương lượng với chủ đầu tư, gia đình ông Khiêm nhận được bảng tham khảo chiết tính giá đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư của Hội đồng bồi thường dự án quận 2, áp giá đền bù đối với gia đình ông là trên 6,3 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, ngày 20/5/2011 gia đình ông Khiêm tiếp tục “tá hỏa” nhận được văn bản của UBND quận 2 chính thức thông báo mức giá bồi thường mới mà gia đình ông nhận được chỉ là trên 2,5 tỷ đồng.
Theo ông Khiêm, nếu cộng khoản bồi thường 2,5 tỷ với phần hỗ trợ cũ của chủ đầu tư là 29 tỷ đồng, gia đình ông chỉ nhận được 31 tỷ đồng, số tiền “hao hụt” chóng mặt là 46 tỷ đồng so với mức giá bồi thường do chủ đầu tư đưa ra (gần 77 tỷ).
Một hộ dân khác cũng rơi vào cảnh “bay tiền tỷ” là gia đình bà Nguyễn Thị Ba (xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền) bị thu hồi hơn 930m2 đất.
Tháng 2/2011, bà Ba nhận được thông báo của Công ty Thảo Điền về việc thỏa thuận bồi thường với số tiền hơn 33 tỷ đồng, thời hạn “quyết” nhận hay không nhận tiền cũng chỉ trong một tuần lễ, tương tự gia đình ông Khiêm.
Theo bà Ba, do nhà đông con, mọi người đều công tác xa, phải xin ý kiến, lấy chữ ký…mất nhiều thời gian nên việc thương lượng với chủ đầu tư chưa thực hiện được.
Qua thời gian trên, bà Ba té ngửa khi nhận được thông báo của UBND quận 2: số tiền mà gia đình bà thực nhận, “teo lại” chỉ còn hơn 17 tỉ đồng.
Bức xúc, bà Ba làm đơn khiếu nại lên UBND quận 2, nhưng chỉ nhận được thông báo: “sẽ tiến hành cưỡng chế”. Bà gửi đơn vượt cấp, UBND.TPHCM có văn bản khẩn ”đề nghị UBND quận 2 tạm dừng việc cưỡng chế”. Tưởng rằng sự việc được xem xét, nhưng bất chấp yêu cầu từ UBND.TP, UBND quận 2 vẫn ra quyết định cưỡng chế lấy đất cho chủ đầu tư vào ngày 7/10 vừa qua.
Ngoài trường hợp gia đình ông Khiêm, bà Ba, còn nhiều hộ dân khác có đất trong dự án Vinaconex cũng đang “khóc ròng” với việc áp giá của UBND quận 2, khiến họ “mất oan” hàng chục tỷ đồng.
Theo người dân, đây là dự án kinh doanh đơn thuần, nên việc UBND quận 2 ban hành quyết định bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất là tạo điều kiện cho chủ đầu tư chấm dứt thỏa thuận bồi thường, gây thiệt hại cho người dân. Họ đề nghị tiếp tục thực hiện theo phương thức thỏa thuận…
“Không nên ép dân…”
Theo chủ đầu tư, có 8 hộ dân với diện tích đất thu hồi 8.200 m2 còn lại của dự án, hiện Công ty Thảo Điền đã ngưng thương lượng đền bù để chuyển qua phương án đền bù của UBND quận 2.
Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Thu Trang, đại diện công ty Thảo Điền cho rằng, hiện bà không có quyền phát ngôn về vụ việc này, kể cả việc thương lượng giá đền bù với người dân.
Về phía UBND quận 2, bà Trần Thị Hồng Nguyệt - Chánh văn phòng UBND quận cho rằng: UBND quận 2 luôn tôn trọng thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân, còn việc thành lập Ban bồi thường là do việc thương lượng không thành, khiến việc thực hiện dự án kéo dài…
“Tinh thần của quận là sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất. Tôi sẽ liên hệ với Ban bồi thường quận để kiểm tra lại sự việc này, từ đó đề xuất hướng xử lý” – bà Nguyệt nói.
Còn theo một cán bộ Thanh tra Chính phủ (đơn vị từng có văn bản đề nghị ngưng cưỡng chế, giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền vụ việc này) đây là dự án kinh doanh bất động sản, việc thu hồi đất phải trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người dân; trên thực tế là chủ đầu tư đã làm xong đối với nhiều hộ dân.
Số hộ dân còn lại đang tiếp tục thương lượng, lẽ ra quận 2 phải hỗ trợ chủ đầu tư, vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ, thay vì can thiệp hành chính vừa sai quy định, vừa gây thiệt hại cho dân.
“Theo tôi, chủ trương của Nhà nước trong thu hồi đất là rõ: phải đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn cho người dân bị giải tỏa; cái gì có lợi hơn cho dân thì làm…” - vị thanh tra này nói.
(Theo Vietnamnet)