Thị trường cho thuê mặt bằng cuối năm khá trầm lắng, ngoài một số giao dịch ở khu vực trung tâm thì các tấm biển cho thuê mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều.
Thị trường cho thuê mặt bằng cuối năm khá trầm lắng, ngoài một số giao dịch ở khu vực trung tâm thì các tấm biển cho thuê mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều.
Cung dồi dào nhưng giá mặt bằng cho thuê vẫn quá cao so với khả năng người đi thuê, đặc biệt trong bối cảnh sức mua ảm đạm như hiện nay.
Đóng cửa để trống
Từ đầu tháng 12 đến nay, ông Thái - chủ căn nhà mặt tiền một trệt, hai lầu nằm ở phố kinh doanh đồ mỹ nghệ trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) - cho biết vẫn chưa tìm được khách thuê, dù giá rao đã giảm xuống còn 30-35 triệu đồng/tháng, giảm mạnh so với mức giá cho thuê trước đó là 40 triệu đồng/tháng. Tương tự, bà T. - chủ một căn nhà trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) - cho biết gần một tháng treo biển cho thuê căn nhà vẫn trong tình trạng đóng cửa để trống.
Theo bà T., thông thường những tháng cuối năm các giao dịch thuê mặt bằng có giá hơn và tiến hành khá nhanh, nhưng tình hình năm nay hoàn toàn ngược lại. “Khách đến xem vẫn nhiều, họ đều nói có thiện chí thuê dài hạn nhưng khi nghe giá thì chê cao”, bà T., nói. Được biết cách nay sáu tháng, giá cho thuê căn nhà này là 40 triệu đồng/tháng, nhưng vừa rồi bà T. đã “kê” giá lên... 60 triệu đồng/tháng với lý do vật giá leo thang.
Cửa hàng của anh H. trên đường Hai Bà Trưng (Q.1) được thuê với giá hơn 100 triệu đồng/tháng để bán sản phẩm giày dép nhập khẩu. Tuy nhiên vài tháng gần đây hàng hóa bán chậm, lợi nhuận không nhiều nên anh buộc phải nhượng lại một nửa căn nhà cho người khác thuê. Mặc dù chấp nhận lỗ hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng không còn cách nào khác anh buộc phải nhượng lại để giảm lỗ.
“Với tình hình hiện nay, nếu như giữ nguyên căn để kinh doanh thì gánh lỗ do tiền thuê nhà không nổi” - anh H. chia sẻ. Trên nhiều tuyến đường kinh doanh như Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Hai Bà Trưng (Q.3)... có nhiều đoạn đường chỉ chưa đầy 100m nhưng đã tới ba cửa hàng kinh doanh phải trả lại mặt bằng do làm ăn thua lỗ. Tỉ lệ này rơi nhiều vào các cửa hàng kinh doanh cà phê, quần áo thời trang, nhà hàng.
Nhưng thực tế giá mặt bằng không vì thế giảm đi, trái lại nhiều chủ nhà cho thuê khi thấy biến động tỉ giá, giá vàng là lập tức điều chỉnh tăng theo. Bà Ngô Thị Báu, chủ cửa hàng thời trang Foci, cho biết các giao dịch cho thuê mặt bằng kinh doanh hiện nay đều tính theo giá USD và thường ít cố định mà cộng thêm điều khoản trượt giá. Nghĩa là sau sáu tháng hoặc một năm tùy theo thỏa thuận, chủ nhà sẽ điều chỉnh tăng thêm 10-15% trên giá thuê ban đầu để kịp với diễn biến giá thị trường!
Năm sau cao hơn năm trước
Theo những người đi thuê, giá mặt bằng ở những tuyến đường trung tâm của thành phố có phần giảm so với hai năm trước nhưng vẫn còn cao so với điều kiện kinh doanh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp phải hoãn kế hoạch mở rộng cửa hàng kinh doanh vì chi phí mặt bằng quá cao khiến việc phát triển mạng lưới trở nên rủi ro.
Ông T.A.N., chủ đầu tư một chuỗi nhà hàng thực phẩm chay, cho biết tiền thuê mặt bằng thường chiếm khoảng 30% chi phí để mở một địa điểm mới, trong đó bao gồm tiền đặt cọc, tiền mặt bằng trả trước... “Đầu tư một cửa hàng mới tốn khoảng 50.000-70.000 USD thì gần 20.000 USD đã dành cho các khoản liên quan đến tiền thuê mặt bằng”, ông N. nói.
Giá mặt bằng những con đường bạc tỉ như Nguyễn Huệ, Lê Lợi... hiện nay vẫn được giao dịch 6.000-7.000 USD/tháng cho cửa hàng có mặt tiền rộng 4m trở lên, các tuyến đường xa hơn như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (Q.3) thấp hơn: 3.000-4.000 USD/tháng. Theo ông Phúc, mức giá này chỉ có các thương hiệu mạnh quốc tế mới kham nổi. Một hợp đồng ký dài hạn ít nhất phải 5-7 năm, rồi còn tiền cọc, tiền trả trước... những chi phí này quá sức với nhiều doanh nghiệp trong nước.
Bà Võ Trần Anh Thy, đại diện K-Do Barkery, nói tìm được mặt bằng ưng ý đã khó, trụ lại còn khó hơn. “Giá mặt bằng cho thuê ở VN luôn tăng cao hơn mức trượt giá chung của kinh tế, cứ năm sau tăng hơn năm trước bất kể buôn bán thế nào”, bà Thy nói. Hiện nay, ngay các góc ngã tư hay những mặt bằng đẹp của trung tâm thành phố là sự hiện diện của những thương hiệu quốc tế ngành thức uống, thức ăn nhanh như Gloria Jeans, KFC...
Gần đây nhất, một nhà hàng ẩm thực Việt trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) đã phải đóng cửa để nhường cho một tiệm bánh ngọt Hàn Quốc thuê với giá cao gấp đôi so với trước đó, lên đến hơn chục ngàn USD/tháng.
Theo nhà cung ứng dịch vụ về bất động sản Savills VN, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ ở VN hiện nay khoảng 65 USD/m2, tùy theo khu vực mà mức giá khác nhau. Như nhiều địa điểm ở trung tâm quận 1 có thể lên 200 USD/m2. Các trung tâm thương mại vẫn là nơi có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất với công suất cho thuê trung bình 86%. Tuy nhiên, Savills cũng nhấn mạnh mật độ bán lẻ tại hai thị trường lớn TP.HCM và Hà Nội vẫn còn thấp so với khu vực nên nhu cầu sắp tới vẫn còn cao.
Hàng Việt ít bày bán tại trung tâm thương mại
Trong khi mặt bằng bán lẻ cho thuê khá ảm đạm, các trung tâm thương mại lại có vẻ khấm khá hơn. Tại hầu hết trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM, các gian hàng kinh doanh hầu như đã kín chỗ. Tuy nhiên, sản phẩm được bày bán phần lớn là của các thương hiệu lớn, đến từ nước ngoài. Theo một nhân viên kinh doanh sản phẩm hàng Việt tại đây, hàng Việt khó chen chân vào được là vì thương hiệu yếu, kinh doanh không có lãi sẽ sớm bị bật ra.
(Theo Tuổi trẻ)