Trước khi có thêm diện tích mới được hoàn thành vào năm sau, từ đầu năm đến nay, thị trường mặt bằng cho thuê tiếp tục chứng kiến sự vắng khách, từ loại cao cấp đến bình dân.
Trước khi có thêm diện tích mới được hoàn thành vào năm sau, từ đầu năm đến nay, thị trường mặt bằng cho thuê tiếp tục chứng kiến sự vắng khách, từ loại cao cấp đến bình dân.
Showroom Fucoland tại số 275 - 277 Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội) khai trương từ tháng 6/2011, nhưng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, đã được trả lại cho chủ nhân từ tháng 3/2012. Tại địa chỉ này, mặc dù đã được đầu tư nội, ngoại thất với số tiền ước tính lên đến hàng tỷ đồng, nhưng chỉ chưa đầy 10 tháng sau khi khánh thành, Fucoland phải rút lui, bỏ lại diện tích mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông cho chủ nhà. Một tấm băng-rôn mới đã được chủ nhà treo từ đầu tháng 3/2012, để tìm kiếm khách thuê mới.
Khủng hoảng kinh tế khiến những tấm băng-rôn kiểu này hiện diện nhiều hơn trên các tuyến phố của Hà Nội. Những cửa hàng, mặt bằng cho thuê bình dân với diện tích “nhỏ và vừa” dạng này một thời được người thuê theo kiểu “tranh cướp”, thì nay hết sức vắng vẻ. Chỉ riêng tuyến đường Thụy Khuê, đã có hàng chục cửa hàng đóng cửa, treo biển mời khách thuê theo kiểu này. Nhiều diện tích khác cửa đóng, then cài, khóa im ỉm. Các tuyến đường vốn nổi tiếng sầm uất của Thủ đô như Cầu Giấy - Xuân Thủy, Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt… cũng đầy rẫy mặt bằng cho thuê đang bỏ trống.
Khó khăn hơn có lẽ thuộc về các nhà cung cấp mặt bằng cho thuê quy mô lớn. Năm 2011, mặc dù số lượng trung tâm thương mại tại Hà Nội mới gia nhập thị trường không nhiều, nhưng việc kêu gọi khách thuê hầu như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) là một ví dụ điển hình. Hàng trăm gian hàng lớn nhỏ tại các tầng 1, 2, 3 của dự án này đang bị bỏ trống. Cùng với lý do khủng hoảng kinh tế, chỉ số tăng trưởng của thị trường bán lẻ giảm sút, tình trạng “ế” mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội, còn xuất phát từ việc chuyển đổi công năng một số dự án chợ dân sinh thành các khu trung tâm thương mại đã không thành công như dự kiến.
Nhiều dự án sau khi chuyển đổi đã không thu hút được khách đến mua sắm, như Trung tâm Thương mại Tràng Tiền hay Trung tâm Thương mại Hàng Da là những ví dụ tiêu biểu. Đây là những trung tâm thương mại có vị trí hết sức đắc địa, nhưng do kinh doanh kém hiệu quả, chủ đầu tư Trung tâm Thương mại Tràng Tiền là Công ty TNHH Tràng Tiền đã phải bán lại cho Tập đoàn bán lẻ DFS (Singapore) để cải tạo, nâng cấp và “tái cơ cấu” chiến lược kinh doanh. Dự án Trung tâm Thương mại Hàng Da được UBND TP. Hà Nội giao Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng và Công ty cổ phần Nhất Nam thực hiện việc cải tạo, xây mới cũng hoàn thành từ cuối năm 2010. Dù đã thực hiện khá nhiều chiến dịch truyền thông, nhưng việc cho thuê mặt bằng bán lẻ tại đây vẫn gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, hàng chục gian hàng vẫn bị bỏ trống.
Chủ đầu tư các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn khai trương năm 2011 tại Hà Nội, như Grand Plaza (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), Picomall (229 - Tây Sơn, quận Đống Đa), Savico Megamall (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên) dù rất nỗ lực trong việc tìm kiếm khách thuê, nhưng diện tích các gian hàng bỏ trống hiện vẫn còn khá lớn.
Sức ép với diện tích mặt bằng cho thuê được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2012 khi hàng loạt trung tâm thương mại quy mô lớn đi vào hoạt động. Những dự án quy mô sẽ gia nhập thị trường mặt bằng cho thuê từ nay đến quý I/2013 có thể kể đến, như Keangnam Landmark Tower (50.000 m2), Indochina Plaza Hà Nội (32.600 m2), Hapulico Complex (36.000 m2); Hà Nội City Complex (10.000 m2); Royal City (200.000 m2)… Đây thực sự là một thách thức với các chủ đầu tư khi diện tích mặt bằng cho thuê bị bỏ trống từ cuối năm 2011 đến nay ngày một nhiều hơn.
(Theo Báo Đầu tư)