Ngân hàng cắt vốn, hàng hóa không có người mua, thị trường đình đốn, dự án thi công cầm chừng, doanh nghiệp "muối mặt" nợ đọng hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê nhà của Nhà nước...
Mệnh lệnh "mở hết cỡ van tín dụng" có đủ khiến bất động sản hồi sinh?
Ngân hàng cắt vốn, hàng hóa không có người mua, thị trường đình đốn, dự án thi công cầm chừng, doanh nghiệp "muối mặt" nợ đọng hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê nhà của Nhà nước... Liệu tình trạng thê thảm này có chấm dứt sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mở tối đa "van" tín dụng đối với bất động sản?
Nợ nần chồng chất
Kiểm điểm lại tình hình thu ngân sách quý I/2012, TP Hà Nội cho biết, do nhiều diễn biến phức tạp, việc hoàn thành dự toán thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, kết quả thu quý I thấp hơn cùng kỳ. Đặc biệt, một số khoản thu từ đất đai thấp hơn nhiều so với dự toán, tiến độ. Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị nợ đọng tiền sử dụng đất kéo dài. Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc "đòi nợ", nhưng đến nay việc thanh toán chưa được cải thiện. Trước đó, do bất động sản chững lại, kế hoạch thu ngân sách từ đất đai của Hà Nội năm 2011 cũng bị phá sản. Doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai dự án dẫn tới tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, số nợ xấu, khó đòi cũng lên tới trên 500 tỷ đồng.
Có thể kể ra một số "con nợ" vốn đã có tên tuổi trên thị trường bất động sản như: chủ đầu tư dự án khu đô thị Xa La (Hà Đông) - nợ 116 tỷ đồng; dự án tại khu đất HH5 (Long Biên) nợ 156 tỷ đồng (có quyết định thu tiền từ lâu nhưng chưa nộp); khu đô thị Thạch Bàn (Long Biên) nợ 147 tỷ đồng; một công ty cơ điện nợ 106 tỷ đồng… Nhìn tình hình ảm đạm của thị trường, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà chỉ còn biết than: "Các doanh nghiệp này đã nợ quá lâu, khó có khả năng thu hồi được"!
Chưa hết, bức tranh xấu xí "nợ đầm, nợ đìa" của doanh nghiệp bất động sản lại "đen" thêm khi Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn mới đây lại gửi lên thành phố danh sách các công ty nợ đọng tiền thuê nhà. Đó là chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ ở các quận trung tâm, thuộc những vị trí coi là đắc địa, nhưng khi vướng vào bão tín dụng, các doanh nghiệp này chỉ còn biết… nằm im. Ngay cả chi phí tối thiểu là tiền thuê nhà tạm cư cho các hộ dân trong năm 2011 cũng không thanh toán được cho thành phố.
Hết hy vọng ở FDI
Nhìn vào tình hình bi đát của thị trường thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cả nền kinh tế đình trệ, các doanh nghiệp gặp khó khăn cũng là điều tất yếu. Ông phân tích: "100% doanh nghiệp bất động sản đều phải vay vốn từ ngân hàng để thực hiện dự án. Ngay cả các doanh nghiệp lớn, được đánh giá là chuyên nghiệp, đầu tư bài bản cũng phải vay ngân hàng một lượng tiền rất lớn. Họ không đi sai đường, nhưng do cùng lúc triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, trong khi đầu ra thị trường "lạnh", dòng tiền thu về giảm sút, vốn vay tiếp từ ngân hàng cũng bị giảm mạnh đương nhiên sẽ lâm vào cảnh khó khăn". Nếu như hồi đầu năm 2012 vẫn có ý kiến cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể xem là lối ra cho thị trường trong nước thì những con số thống kê mới nhất cho thấy, lối ra này chỉ còn là khe cửa hẹp, nếu không nói là đã bị bịt lại.
Cụ thể, tại Hà Nội, quý I/2012, toàn thành phố có 64 dự án cả cấp mới và tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký 147,6 triệu USD, chỉ đạt 19% vốn đầu tư đăng ký mới so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, trong 3 tháng qua có 12 doanh nghiệp FDI bỏ địa điểm kinh doanh (không có tại địa chỉ đăng ký); 5 dự án có thông báo tạm ngừng kinh doanh do nhà đầu tư gặp khó khăn; 4 doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục giải thể... Hiện có 16 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn. Cụ thể, có 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài trước đây liên doanh với bên Việt Nam đã chuyển nhượng vốn cho tổ chức kinh tế trong nước và chuyển đổi thành dự án 100% vốn trong nước. 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn từ bên Việt Nam trong liên doanh trở thành dự án 100% vốn nước ngoài. 2 dự án khác chuyển nhượng một phần cho tổ chức kinh tế trong nước. Như vậy, thay vì bơm thêm vốn, các nhà đầu tư FDI đang tính… bài chuồn khỏi Hà Nội.
Không dễ tìm vốn
Giữa tháng 4/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố nới "van" tín dụng với bất động sản. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, trần lãi suất huy động giảm liên tiếp 2 lần về mốc 12%/năm. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, lãi suất cho vay sẽ về vùng 14-16%/năm, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp bất động sản. Bình luận về diễn biến này, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc trong quý II/2012, khi được sự hỗ trợ từ các chính sách nới lỏng tín dụng. Chuyên gia này hồ hởi: "Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ tích cực từ chính sách mới, thị trường sẽ vận động theo chu kỳ tăng trưởng mới".
Nói về khả năng bơm vốn ra thị trường của các ông chủ nhà băng sau lệnh xả van của Thống đốc Ngân hàng Nhà
Chỉ những chủ đầu tư nào có đủ năng lực trả nợ thì ngân hàng mới cho vay chứ không thể cho vay bừa bãi được
nước, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quyền cho ai vay hoàn toàn thuộc về ngân hàng. Ông nói: "Ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm với từng đồng vốn của mình nên họ cũng phải xem xét dự án nào tốt, chủ đầu tư nào có đủ năng lực trả nợ thì họ mới cho vay chứ không thể cho vay bừa bãi được...". Đồng ý rằng, quy định mới của ngân hàng đã mở tín dụng ra rất nhiều, song một số
doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết lo khi gõ cửa ngân hàng xin vay vốn. Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, để tiếp cận nguồn vốn là không hề dễ dàng. Thêm vào đó, không phải trần lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay sẽ giảm ngay lập tức.
Theo lý thuyết, khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 12%/năm, lãi suất cho vay sẽ giảm về khoảng 14 - 16%/năm, các doanh nghiệp có thể giữ được ổn định sản xuất trước mắt, khắc phục khó khăn tạm thời. Nhớ lại thời gian khó khăn trước đây, giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ: "Mới năm ngoái thôi, ngân hàng công bố cho vay với lãi suất 17 - 18%/năm, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất 19 - 20%/năm, thậm chí cao hơn. Ngay với các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, quy định nói là doanh nghiệp đầu tư sẽ được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển. Song, khi doanh nghiệp nộp đơn xin vay vốn mới biết gian nan lắm. Kết cục, rất hiếm người đi được tới đích và hầu hết đều phải đi vay vốn thương mại từ ngân hàng với lãi suất cao, chứ chờ xét duyệt thì không biết đến bao giờ".
(Theo DDDN)