Hiện nay, nhiều người vẫn có thể mua được nhà ở xã hội dù không thuộc diện thu nhập thấp và đã có nhà ở.
Để an cư lạc nghiệp tại thành phố lớn là điều ao ước của những cán bộ, viên chức lâu năm, của nhiều thanh niên ngoại tỉnh mới ra trường đi làm. Thấu hiểu nhu cầu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định, các chương trình phát triển nhà ở xã hội nhằm giúp người thu nhập thấp có thể sở hữu một căn nhà. Một chính sách mang lại kỳ vọng hiện thực hóa ngôi nhà mơ ước cho rất nhiều người dân. Tuy vậy, quá trình phân bố nhà ở xã hội lại có những điều bất thường.
Theo luật, phải 5 năm, chủ căn hộ xã hội mới được mua đi bán lại. Thế nhưng, trên thực tế, đang có một thị trường ngầm mua bán dạng căn hộ này vô cùng dễ dàng.
Nhiều người không thuộc diện thu nhập thấp
nhưng vẫn mua được nhà ở xã hội
Thực tế, không khó để có thể tìm thấy các mẩu tin rao bán nhà ở xã hội trên các trang web mua bán nhà đất, từ những người tự xưng là chính chủ đến trung gian, thậm chí, có người còn tự xưng là ban quản lý cư dân.
Trong vai người đến trực tiếp mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội đang được rao bán, phóng viên đã gặp một người tự xưng là chủ căn hộ đang cần bán. Vì đã có nhà ở, nên gia đình không có nhu cầu sử dụng. Nếu chấp nhận mua, tháng 11/2016 người mua sẽ được cầm sổ đỏ.
Để thuyết phục khách mua, người rao bán tiết lộ, riêng tầng này có 14 căn hộ, nhưng có tới 70% là người ngoài mua lại, người được bốc thăm mua nhà ở xã hội không ở đây. Người bán nhà cũng dẫn phóng viên tới một căn hộ ngay gần đó, được giới thiệu là căn nhà ở xã hội mà người này đã bán thành công trước đó.
Được biết, căn hộ 56 m2 được rao bán với giá 1.020.000.000 đồng. Trong khi đó, giá gốc mua theo diện nhà ở xã hội từ chủ đầu tư chỉ hơn 800 triệu đồng, nghĩa là nếu giao dịch thành công, người bán sẽ đút túi được số tiền chênh là 200 triệu đồng.
Vậy tại sao một thị trường mua bán nhà ở xã hội bất hợp pháp vẫn có thể ngang nhiên hoạt động? Người mua chui nhà ở xã hội sẽ gặp phải những rủi ro gì?