Mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản đã được “chốt” lại là 6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng tại tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng soạn thảo.
Mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản đã được “chốt” lại là 6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng tại tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng soạn thảo.
Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) lý giải, mức vốn này là phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, vì trên thực tế, quy mô của các đối tượng này vẫn còn nhỏ.
Một vấn đề được các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đặc biệt quan tâm là chuyển nhượng toàn bộ dự án cũng đã ngã ngũ khi Ban soạn thảo quy định việc chuyển nhượng toàn bộ dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp chỉ cần văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh, kể cả các dự án đã được Thủ tướng cho phép đầu tư.
Ông Chung giải thích: “Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cũng như phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính và phân cấp quản lý của Chính phủ trong đầu tư xây dựng”.
Về điều kiện chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, có ý kiến đề nghị chỉ được phép thực hiện sau khi đã hồn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo dự án đã được phê duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, quan điểm của Ban soạn thảo lại cho rằng, việc đưa ra các quy định về chuyển nhượng toàn bộ dự án khi chủ đầu tư cũ không còn khả năng hoặc không muốn tiếp tục thực hiện dự án là rất cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm kinh doanh bất động sản được tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Ông Chung cho rằng, không nhất thiết buộc chủ đầu tư xây dựng hạ tầng xong mới được chuyển nhượng. Theo ông, nếu chủ đầu tư hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án hoặc giai đoạn thực hiện dự án được duyệt thì được chuyển nhượng dự án, bởi thực tế khi đó đã đầu tư 10-15% tổng mức đầu tư của dự án.
Về cấp chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản, có ý kiến cho rằng, không nên cấm đối với cán bộ, công chức nhà nước. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, các luật chuyên ngành khác đều quy định không cấp chứng chỉ hành nghề cho công chức nhà nước. Ngay cả công chức đương nhiệm đã có chứng chỉ cũng không được hành nghề. Do vậy, chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản cũng sẽ không cấp cho công chức nhà nước.
Ông Chung cho biết, bản Dự thảo nghị định trên đã được gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, và dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 12 này để kịp triển khai khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực (ngày 1/1/2007).
(Theo Đầu tư)