Mua những mảnh đất nông nghiệp trong khu quy hoạch rồi ngang nhiên xây nhà trái phép để “chờ” nhận tiền đền bù, hay “phù phép” đất nông nghiệp thành đất thổ cư để kiếm lời - “cò” nhà đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng đang “làm loạn” trước sự bất lực của chính quyền.
Mua những mảnh đất nông nghiệp trong khu quy hoạch rồi ngang nhiên xây nhà trái phép để “chờ” nhận tiền đền bù, hay “phù phép” đất nông nghiệp thành đất thổ cư để kiếm lời - “cò” nhà đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng đang “làm loạn” trước sự bất lực của chính quyền.
Xã “bó tay”, chờ huyện xử lý
Dọc con đường vào thôn Câu Hà (xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam), hàng trăm ngôi nhà vừa được xây mới. Song, hầu hết những ngôi nhà này cửa khóa im ỉm, không một bóng người ở. Bên cạnh là hàng chục căn nhà mới khác đang “rầm rộ” hoàn thiện.
Trong vai một người đi tìm mua nhà, chúng tôi nhận được hàng loạt lời mời mua nhà, mua đất. Một thanh niên tên P. dẫn chúng tôi tới một mảnh đất được xây rào kín, phía trước là một cổng trụ lớn của một biệt thự nhưng bên trong chỉ là một căn nhà cấp 4 với hai phòng nằm lọt thỏm phía trong. “Đây là chỗ rộng nhất rồi, diện tích 550m2 giá 600 triệu!”
Hỏi “sổ đỏ”, anh thanh niên bình thản: “Nếu có sổ thì đâu có giá đó, chỉ có giấy tờ viết tay thôi. Anh yên tâm, đất của bà dì em bán lại nên người trong nhà cả.”
Với những ngôi nhà khác có giá từ 150-300 triệu đồng, chúng tôi đều nhận được những lời “động viên” như trên trong khi giấy tờ các khu nhà đất này chỉ được viết tay, không có một chứng thực nào của chính quyền địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực này có hơn một trăm ngôi nhà cấp 4 được xây dựng sơ sài với những tấm tôn mỏng dính bám trên những cây xà bằng cổ tay, tưởng chừng chỉ cần một trận gió lớn cũng thổi bay cả mái nhà.
Ông Trần Duy Nghĩa, Chủ tịch xã Điện Ngọc, thở dài: “Xã cũng đang đau đầu với tình trạng này. Hơn 150 trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp gây nhức nhối trên địa bàn. Khu vực này nằm trong vùng quy hoạch dự án làng Đại học của thành phố Đà Nẵng, thế nhưng đến giờ vẫn là quy hoạch treo. Chính vì thế “cò” đất đến đây “lừa” người dân bán đất hoang, đất sản xuất để xây nhà trái phép, kể cả những cán bộ công chức cũng mua đất ở đây rồi thản nhiên xây nhà. Trong 150 trường hợp xã xác định được thì có 130 trường hợp là người ở Đà Nẵng qua đầu cơ.”
Cũng theo ông Nghĩa, tình trạng xây nhà trái phép bắt đầu từ năm 2010. Xã đã lập danh sách gần 100 trường hợp xây nhà trái phép và xử phạt 2 triệu đồng/trường hợp, nhưng không thể ngăn chặn được tình trạng này. “Cò” đất vẫn tiếp tục mua đất sản xuất của người dân ở đây với tờ giấy viết tay từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng rồi “phù phép” lên giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Ông Nghĩa lấy lý do “xã không có đủ người, đủ thẩm quyền để giải quyết triệt để tình trạng trên. Xã đã báo cáo với huyện để có hình thức xử lí trong thời gian sớm nhất” để giải thích thêm về thực trạng tại địa phương.
Làm giả giấy tờ đất để lừa đảo
Không chỉ ở Quảng Nam, tình trạng người dân xây nhà trái phép để chờ nhận tiền đền bù giải tỏa hay rơi vào “bẫy” của “cò” nhà đất cũng dễ thấy ở Đà Nẵng.
Được phê duyệt năm 2007, Cụm công nghiệp Phước Lý có một số diện tích đất sản xuất thuộc khu vực phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng). Số diện tích đất này đã rơi vào “tầm ngắm” của “cò”. Gần một trăm bộ hồ sơ được “phù phép” để bán đất màu (đất nông nghiệp) với giá của đất thổ cư. Nhanh tay mua đất màu từ chính chủ chỉ 3,5 triệu đồng/100m2, “cò” nhà đất đã biến những mảnh đất trên thành đất sử dụng với mục đích làm nhà ở giá từ 40-50 triệu đồng/100m2.
Bà Phạm T. D., một người bán đất cho hay: “Gia đình tôi có hơn 500m2 đất trong vùng quy hoạch. Sau khi thông tin quy hoạch được thông báo thì có một người tên H. đến tiếp xúc và đề nghị bán lại cho anh ta với giá 35.000 đồng/m2. Lúc đó gia đình tôi đã bán 400m2 vì giá mua của họ cao hơn giá đền bù lúc đó khá nhiều.”
Những bộ hồ sơ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã được “phù phép” với chữ ký, con dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Đàm Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho hay, đó là những hồ sơ giả mạo chữ ký, con dấu. Quận cũng đã xác minh được 40-50 bộ hồ sơ giả mạo trong số này.
Điều đó đồng nghĩa với việc 40-50 người dân trở thành nạn nhân của “cò”. Trong số đó có những người mua để đầu cơ chờ nhận tiền đền bù, cũng có những người dân mua với nhu cầu thật sự tìm một chốn an cư. Tất cả liệu có trắng tay?
“Phương án của chúng tôi là sau khi xác minh được rõ các bộ hồ sơ, nếu giả thì chúng tôi sẽ đền bù theo giá đất nông nghiệp và hiện trạng trên đất cho chính chủ” - ông Hưng cho biết.
Bà Nguyễn Thị G., một người dân lo lắng: “Tôi bỏ ra 40 triệu đồng mua một miếng đất để mong có chỗ mà cắm mái nhà tạm bợ che nắng che mua, hơn 40 tuổi đầu mà vẫn phải cùng chồng dắt díu con cái cùng bà mẹ già đi thuê trọ. Giấy tờ mua bán có chữ ký, con dấu đỏ của địa phương thì tin thôi. Ai ngờ giờ ra nông nỗi này.”
Vụ việc trên đang được Công an quận Liên Chiểu điều tra làm rõ. Song, hàng chục hộ dân vẫn như ngồi trên đống lửa bởi số tiền bỏ ra không phải là nhỏ.
(Theo Dân trí)