Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2020, nguồn cung bất động sản tại TP.HCM sẽ vẫn khan hiếm do pháp lý khó khơi thông. Giá bán vì thế sẽ tăng cao, gây khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thực.
Là công chức có thâm niên gần chục năm tại TP.HCM, chị Hồ Thị Thu Thủy muốn mua nhà từ năm 2018. Chỉ đến khi tích lũy được số tiền đủ lớn, chị Thủy mới bắt đầu tìm kiếm dự án phù hợp. Vì không có nhu cầu đầu tư nên chị Thủy không quan tâm tới biến động của thị trường bất động sản. Thế nên, chị vô cùng bất ngờ khi giá bán chung cư tại TP.HCM tăng chóng mặt hồi đầu năm 2019. Theo kế hoạch ban đầu, chị dự tính mua căn 2 phòng ngủ rộng khoảng 70m2 tại dự án trung cấp. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chị mới nhận thấy tài chính của mình không đủ chi trả cho căn gần trung tâm hay căn xa nội thành, tại quận 9.
Chị Thủy chia sẻ: "Năm vừa rồi có nhiều dự án tiềm năng nhưng tôi không mua được vì không cạnh tranh kịp với dân mua đầu tư. Tôi lo lắng năm nay sẽ càng khó khăn hơn khi nhiều thông tin cho thấy dự án mới vẫn sẽ giảm trong 2020, giá nhà thứ cấp sẽ tăng chứ không giảm nên với người mua ở như tôi, năm nay sẽ là một năm không có nhiều lựa chọn".
Tương tự, anh Nguyễn Vũ Tiến - viên chức tại quận 3 cho hay, anh được người quen giới thiệu một dự án hiện hữu giáp ranh Bình Dương đang chào bán với giá từ 1,2 tỷ đồng. Dù không thuộc khu vực trung tâm nhưng mức giá thấp nhất tại dự án là 1,2 tỷ đồng đối với căn 49m2, mua chênh lại với giá thấp nhất xấp xỉ 150 triệu đồng mỗi căn. Trong khi đó, các căn gần thành phố hơn đều có giá không thấp dưới 32 triệu đồng/m2. Giá bán nhà chung cư lên tới 50-60 triệu đồng/m2 tại khu vực cận trung tâm TP.HCM.
Anh Tiến cho biết: "Tôi cũng có nhắm đến dự án nhà ở xã hội quảng cáo trên thị trường nhưng hầu hết chỉ là dự án quảng cáo cho có. Nhiều dự án nhà ở xã hội còn cho biết có khi phải 3-4 năm nữa mới triển khai. Không chỉ là giá tăng mà giờ tìm được dự án mới chào bán cũng khó, còn mua lại các dự án hiện hữu thì phải thanh toán một khoản tiền khá lớn trong khi tôi chỉ đủ khả năng mua các dự án thanh toán theo tiến độ".
|
Trong năm 2020, khách mua ở thực khó tiếp cận nguồn cung căn hộ sơ cấp.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Bàn về nguồn cung bất động sản tại TP.HCM trong năm nay, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung đánh giá, nguồn cung mới khó có thể đột phá. Việc cấp phép cho dự án mới ít nhất cũng phải tới cuối năm 2020 mới được giải quyết. Vì vậy, giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian đó chỉ là nguồn hàng thứ cấp hiện hữu. Đối với khách hàng có nhu cầu mua ở thực, năm 2020 sẽ là năm nhiều khó khăn, khó có thể sở hữu sản phẩm trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ thứ cấp vẫn rất dồi dào, vấn đề là khách hàng sẽ phải trả thêm khoản chênh. Đây là diễn biến có lợi cho các nhà đầu tư đang có dự án, nhưng lại bất lợi cho người mua.
Theo bà Dung: "Các dự án thứ cấp đều có điểm chung là bên cạnh mức mua chênh theo giá thị trường, người mua buộc phải thanh toán trước một khoản chi phí khá cao theo tiến độ trước đó. Các dự án hoàn thiện thì phải thanh toán gần như 100% giá trị căn hộ nên gây áp lực không nhỏ với nhiều khách mua chưa có chuẩn bị tài chính. Người mua ở thực thường trông đợi vào giải pháp hỗ trợ tài chính từ chủ đầu tư nên nhu cầu mua thường nhắm đến các dự án đang triển khai. Trong năm nay, lượng dự án mới khó bùng nổ nếu không muốn nói sẽ tiếp tục khan hiếm, không còn nhiều lựa chọn cho người mua thực ở thị trường sơ cấp".
Chuyên gia này lý giải, việc chậm cấp phép mới cũng như cấp phép sửa đổi các dự án bị kéo dài nên nguồn cung sản phẩm trong năm 2019 sụt giảm mạnh. Minh chứng là, toàn thị trường trong năm vừa qua chị có 36 dự án được cấp phép chào bán mới, so với năm 2018 giảm gần một nửa. Nguồn cung sơ cấp khan hiếm là nguyên nhân khiến giá bán tăng mạnh trên thị trường thứ cấp. Giá bán thứ cấp của hầu hết các dự án căn hộ đang triển khai từ năm 2018 đều tăng tối thiểu 15-20%. Cùng với đó, mức tăng bình quân của giá bán sơ cấp tăng từ 10-15%.
Chính bởi vậy, trong năm nay, người mua nhà ở thực sẽ phải mua nhà tại dự án xa trung tâm hơn, vùng giáp ranh hoặc ở tỉnh với mức giá chênh lệch. Tuy nhiên, khách hàng cũng có thể chờ nguồn cung mới vào cuối năm 2020, đầu 2021.
(Theo ThanhnienViet)
http://thanhnienviet.vn/2020/02/07/nguoi-mua-o-thuc-khong-co-nhieu-lua-chon-trong-nam-2020