Sau khi trải qua những cơn sốt đẩy giá nhà đất lên đến đỉnh điểm, thị trường bất động sản thoái trào và trở nên trầm lắng. Hiếm có chủ đầu tư nào dám hạ giá để kích cầu. Trong khi đó, đa số người có nhu cầu nhà ở vẫn ngóng chờ giá hạ mới để mua nhà, đất.
Sau khi trải qua những cơn sốt đẩy giá nhà đất lên đến đỉnh điểm, thị trường bất động sản thoái trào và trở nên trầm lắng. Hiếm có chủ đầu tư nào dám hạ giá để kích cầu. Trong khi đó, đa số người có nhu cầu nhà ở vẫn ngóng chờ giá hạ mới để mua nhà, đất.
Mặc dù thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi trong hơn một năm qua, giá nhà, đất tại hai khu vực nóng là Hà Nội và TP HCM vẫn chưa giảm. Được đưa ra thị trường vào cuối năm 2005, dự án Golden Westlake vẫn giữ mức giá 1.125 - 2.000 USD/m2, là một trong những nơi giá nhà đất cao nhất tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty Liên doanh Hà Việt - Tungshing không hề có ý định giảm giá.
Tại hai dự án sắp hoàn thành là Ciputra (giai đoạn 2) và The Manor, chủ đầu tư không những không giảm giá mà còn tăng thêm so với mức giá cách đây hơn một năm. Tại Ciputra, giá nhà biệt thự ở giai đoạn 2 đã lên tới 1.650 USD/m2, so với mức 1.250 USD/m2 ở giai đoạn 1. Còn tại The Manor, giá cũng đã tăng thêm 15%.
Trong phiên đấu giá 8 lô đất với diện tích 149-179 m2 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy tháng 8 vừa qua, giá sàn là 17,5 triệu đồng/m2 và giá trúng thầu cao nhất lên tới 24,5 triệu đồng. Tại TP HCM, giá các căn hộ cao cấp vẫn lên tới tiền tỷ. Mỗi căn hộ trong khu Phú Mỹ Hưng hiện được chào giá bình quân 1-13 triệu đồng/m2. Tại khu cao ốc Botanic Towers đang xây dựng phần thô, giá bán trung bình đã lên tới 860-928 USD/m2.
Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng thị trường bất động sản không hề đóng băng mà chỉ trở nên trầm lắng hơn so với thời gian trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý đầu cơ ào ạt của người dân để kiếm lời đã đẩy giá nhà, đất lên quá cao so với giá trị thực tế.
Theo ông Thỏa, chỉ có các căn hộ, lô đất có giá trị lớn mới trầm lắng còn thị trường bình dân, đặc biệt thị trường nhà cho thuê, lại rất sôi động. Tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp, cơn sốt nhà giá rẻ và nhà cho thuê vẫn đang nóng bỏng chứ không hề đóng băng như mọi người nhận xét về thị trường bất động sản.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, chính sức mua của thị trường đã tạo ra những cơn sốt giá hay tạo nên sự trầm lắng tại thị trường bất động sản. Chỉ các căn hộ cao cấp với giá bán lên tới tiền tỷ mới vắng khách, còn những căn hộ có mức giá trên dưới 400 triệu đồng lại bán rất chạy, thậm chí cung không đủ cầu.
Hiện tại, đã có một số dự án giảm giá nhà để nhanh chóng thu hồi vốn. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) là đơn vị đầu tiên công khai giảm từ 300,000-500,000 đồng/m2 tại những căn hộ thuộc dự án Văn Quán (Hà Tây) và Việt Hưng (Hà Nội). Nhìn chung, giá bán biệt thự tại các khu đô thị này đã giảm từ vài chục tới vài trăm triệu đồng mỗi căn. Động thái này của HUD được coi là một tín hiệu tích cực nhằm kích cầu đối với người mua và giúp chủ đầu tư sớm thu hồi vốn.
Ông Võ Đình Quốc, Phó giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc ACB cũng cho biết, đã có khoảng 6-7 giao dịch được thực hiện với trị giá khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Một số người bán cũng đã chấp nhận giảm giá để bán được nhà, đất. Theo ông, đây là tín hiệu đáng mừng vì cách đây vài tháng, khách chỉ tham khảo chứ không dám mua.
(Theo Hà Nội Mới)