Trước những biện pháp quản lý mạnh của Chính phủ, giới đầu tư đang có xu hướng chuyển vốn từ vàng, đô la sang thị trường bất động sản.
Trước những biện pháp quản lý mạnh của Chính phủ, giới đầu tư đang có xu hướng chuyển vốn từ vàng, đô la sang thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tượng đầu cơ nhỏ lẻ chỉ tạo sóng nhẹ tại một số điểm, không đủ sức “khuấy đảo” hay tạo nên cơn sốt lớn
Nhà đầu tư rậm rịch chuyển hướng
Nghe thông tin thị trường đô la chợ đen bị đóng cửa, vàng miếng sẽ bị quản lý chặt, chị Bùi Thị Hoạt (CT1, Linh Đàm, Hà Nội) đã ngay lập tức bán toàn bộ số vàng và đô la tích trữ trong nhà để lấy tiền đầu tư vào bất động sản.
“Cầm vàng và đô la thời điểm này có rất nhiều rủi ro vì giá cả lên xuống thất thường nên hai vợ chồng tôi quyết định chuyển hướng sang đất,” chị Hoạt cho hay.
Sau nhiều ngày chạy đôn chạy đáo, gia đình chị quyết định mua một lô đất liền kề thuộc khu vực Thanh Lâm, Đại Thịnh với giá 1,5 tỷ đồng. Cũng theo chị Hoạt, nhiều bạn bè, người thân của chị cũng đang ráo riết “săn” đất vừa túi tiền để mua.
Thậm chí, một số nhà đầu tư từ các địa phương cũng đã bắt đầu “buông” đôla và vàng để về Hà Nội tìm cơ hội với bất động sản. Anh Trường, một cán bộ kiểm dịch tại cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn chia sẻ: “Tôi vừa mua được một mảnh đất trong làng Tó, Tả Thanh Oai với mức giá 12 triệu đồng/m2. Phần lớn số tiền này là nhờ bán vàng miếng. Đầu tư vào đất chắc chắn sẽ an toàn và sinh lời.”
Những động thái trên bất ngờ “sưởi ấm” thị trường bất động sản đang trong thời kỳ tiền đóng băng. Tại sàn giao dịch bất động sản Gia Nam, trong những ngày qua, khá nhiều nhà đầu tư đến tìm mua đất hoặc chung cư. Cao điểm nhất, có ngày có tới 4 giao dịch được thực hiện thành công ngay tại sàn.
Theo bà Lê Thị Lan Anh, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, từ khi thị trường vàng và đô la có những diễn biến tiêu cực, xu hướng tất yếu là các nhà đầu tư sẽ chuyển dần dòng tiền sang bất động sản.
“Thực tế, trong vòng vài năm trở lại đây, giá đất luôn có xu hướng đi lên, trong giai đoạn khó khăn nhất cũng đi ngang. nên đây là kênh đầu tư ít rủi ro nhất,” bà Lan Anh nhận định.
Bà Lan Anh cũng cho hay, tuần qua, một số nhóm chuyên đầu tư chứng khoán cũng đã rút tiền ra mua đất nền. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà đầu tư vẫn đang nghe ngóng biến động của vàng và đô la cũng như chờ dự án mới để quyết định gửi tiền của mình vào bất động sản.
Nóng nhưng chưa “nổi sóng”
Điều trùng hợp là ngay khi dòng tiền bắt đầu có dấu hiệu chuyển hướng, một loạt các dự án tại Hà Nội lại được mở bán. Thị trường còn trầm lắng, song hàng loạt công ty bất động sản đã lên chiến thuật tung hàng ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho hay, đây chính là cơ hội hướng đến những người có nhu cầu mua nhà để ở.
Cuối tuần trước, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) vừa chào bán khu căn hộ hiện đại Rừng Cọ thuộc dự án Ecopark tại Hưng Yên với mức giá hơn 20 triệu đồng/m2.
Trước đó, Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu cũng tung ra thị trường hơn 400 căn hộ thuộc dự án Khu nhà ở Bemes Cầu Bươu. Mức giá 20,5 triệu đồng/m2 ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Vì vậy, chỉ trong vòng hai ngày bán, gần như toàn bộ số căn hộ này đã được bán hết.
Không chỉ các dự án tại Hà Nội, các dự án tại một số tỉnh thành lân cận cũng được đặt trong tình trạng “cháy hàng” ngay từ khi mở bán. Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp đường Nguyễn Quyền, Bắc Ninh cho hay, trong số 100 căn liền kề và biệt thự được chào bán tại Hà Nội, ngay trong phiên mở hàng đầu tiên đã có 50 nhà đầu tư Hà Nội đăng ký.
Theo bà Lan Anh, do dòng tiền hiện đang chuyển dịch dần về phía bất động sản nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đang có xu hướng “săn” các dự án có mức giá phải chăng, dao động quanh mốc 20 triệu đồng/m2. Với mốc này, số tiền để sở hữu một căn hộ cũng sẽ xoay quanh 1,5 tỷ đồng. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào lợi nhuận lớn nhờ sự tăng giá về lâu dài.
Bên cạnh đó, giao dịch đất nền tại các khu vực ven đô cũng đang diễn biến khá sôi động. Bà Lan Anh cho hay, trong thời gian qua, bà đã nhận được rất nhiều đề nghị tư vấn mua đất tại các khu vực như Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, thậm chí cả Ba Vì.
“Đất nền ven đô, đặc biệt là tại các huyện như Thạch Thất, Quốc Oai hiện không có để bán, hàng ra đến đâu cháy đến đấy. Thậm chí, đất thổ cư và dịch vụ tại các khu vực này cũng đang trong tình trạng khan hiếm,” bà Lan Anh nhận định.
Ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Gia Vinh cũng cho rằng mặc dù nhìn chung thị trường vẫn còn khá ảm đạm nhưng hiện vẫn đang có những cơn nóng cục bộ do sự chuyển hướng nhất định của các nhà đầu tư. Tăng giá mạnh nhất phải kể đến các khu vực Mê Linh, dự án Thanh Hà và một số khu vực ven đô.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhận định, số vốn các nhà đầu tư rút ra từ vàng, đô la và chứng khoán không đủ lớn nên khi ném vào bất động sản vẫn chưa đủ sức để ngay lập tức có thể khuấy đảo thị trường.
“Từ giờ đến giữa năm, thị trường khó có thể có một đợt sóng lớn nào trong bối cảnh nguồn vốn dành cho bất động sản đang bị xiết chặt. Giá đất trong thời gian tới mặc dù có tăng, nhưng chưa thể ‘sốt’,” ông Vinh khẳng định.
Theo bà Lan Anh, cũng chính trong thời điểm thị trường trầm lắng này, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều thuận lợi, đặc biệt là về mức giá.
(Theo Vietnam+)