Thành phố Hà Nội cam kết, tháng 6/2009 sẽ công bố tới người dân, doanh nghiệp về số phận các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư ở Hà Nội mở rộng.
Thành phố Hà Nội cam kết, tháng 6/2009 sẽ công bố tới người dân, doanh nghiệp về số phận các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư ở Hà Nội mở rộng.
Thông tin từ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, thay vì 512 hay hơn 600 dự án, sau 5 tháng rà soát trên toàn Hà Nội mở rộng, kết quả tổng quan cho biết, số đồ án quy hoạch, dự án đầu tư bất động sản thu thập được lên tới con số 744, với diện tích đất khoảng 75.189ha.
Trong đó, số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hỗn hợp là 389, chiếm 52% và có tổng diện tích đất dự kiến là 39.148ha.
“Chung kết" vào tháng 6
Trong 744 dự án, đồ án kể trên, điều người ta quan tâm nhất hiện nay là dự án như thế nào sẽ nằm trong phạm vi bị tạm dừng, dừng hẳn. Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đề nghị tạm dừng chờ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng sẽ gồm các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với Quy hoạch vùng Thủ đô và nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
Nhóm đồ án này sẽ được tiếp tục đánh giá sau khi quy hoạch chung Hà Nội được duyệt.
Đối với các đồ án, dự án đề nghị dừng hẳn, việc xem xét được xác định bởi các tiêu chí như nằm trong các hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; các khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật (như hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình kỹ thuật đầu mối, đê điều, di tích...); không đảm bảo môi trường; không nằm trong định hướng các quy hoạch chung đã được duyệt; đồ án quy hoạch chi tiết chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nhóm này, thành phố sẽ nghiên cứu, tùy theo mức độ đã đầu tư, đề xuất phương án, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi quá lớn cho nhà đầu tư.
Giải tỏa lo lắng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nỗi mỏi mòn chờ đợi công bố kết quả cuối cùng rà soát đồ án, dự án ở Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố phân trần: “Phải chờ kết quả báo cáo lần 1 quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội mới có thể thống nhất với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và phân nhóm các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, trong đó nêu rõ dự án nào tiếp tục được triển khai, dự án nào phải tạm dừng chờ điều chỉnh, dự án nào phải dừng hẳn, báo cáo Chính phủ”.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, dự kiến, việc này sẽ hoàn thành trong tháng 6/2009. Ngay khi có kết quả phân loại, thành phố sẽ thông báo cho lãnh đạo các địa phương và các chủ dự án biết. Công việc này dự kiến cũng sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 6/2009.
Nhà đầu tư không lo thiệt?
Trấn an các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Thảo cam kết: “Quan điểm của Ủy ban Nhân dân thành phố là nghiêm túc thực hiện việc rà soát, xem xét quyết định một cách khách quan, khoa học, công bằng đối với từng dự án vì mục tiêu chung, phát triển lâu dài và bền vững của Thủ đô”.
Tuy nhiên, ông Thảo cũng nhấn mạnh: “Những dự án nằm trong định hướng phát triển không gian, chẳng hạn như trùng vào vành đai xanh đương nhiên sẽ phải dừng lại, trong khi những dự án nằm trong khu đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh vẫn được tiếp tục”.
Nói thay băn khoăn của hàng trăm nhà đầu tư đang “nằm thở” ở phía Tây Hà Nội, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á hỏi thẳng: “Các dự án đã triển khai, sắp tới nếu bị dừng, thành phố có cơ chế bồi thường không?”.
Ông Phí Thái Bình trả lời: “Nếu đúng nhà đầu tư không mắc lỗi trong quá trình triển khai dự án, thành phố sẽ có cơ chế bù đắp. Có thể là cho phép nhà đầu tư nhận những dự án ở khu vực quy hoạch mới cho phép. Ngoài ra, thành phố sẽ tính phương án hoàn trả chi phí hợp lý cho họ...”
Ông Bình nêu ví dụ: “Trục kinh tế Bắc - Nam (Hà Tây cũ) đã được Chính phủ phê duyệt với nhiều khu đô thị bám dọc tuyến đường, nhưng nay một số không còn phù hợp vì “kẹp” ngay giữa vành đai xanh của thành phố. Thế nhưng, đường thì vẫn phải làm nên có thể sẽ bố trí cho nhà đầu tư ở vị trí khác để bù đắp chi phí đầu tư...”
Như thế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở phía Tây Thủ đô lại phải tiếp tục chờ đợi thấp thỏm cho tới tháng 6/2009 như thông tin từ lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Song, trong trường hợp bị loại ra khỏi cuộc chơi, mức bồi thường, đền bù sẽ được tính toán thế nào. Nhiều người e rằng, “được vạ thì má đã sưng” bởi thiệt hại do việc bị “ra rìa” chưa rõ sẽ được tính toán kiểu gì. Chi phí cả chính thức và phi chính thức trong quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài (có khi tới vài năm) được định lượng ra sao.
Thêm nữa, quá trình bồi thường, thủ tục xét duyệt sẽ kéo dài bao lâu, cơ quan nào sẽ chủ trì, cơ quan nào thẩm định. Liệu nó có kéo dài lê thê tới vài ba năm như quá trình chuẩn bị đầu tư dự án?
Ngay cả những dự án không knock-out hẳn mà chỉ bị tạm dừng cũng không thể khiến doanh nghiệp hay nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm bởi chưa biết phải chờ tới bao giờ.
Năm 2010, khi quy hoạch chung Hà Nội được duyệt, thành phố có xét ngay không hay lại tiếp tục bị “treo”. Hàng loạt câu hỏi vẫn là băn khoăn rất lớn mà doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn gửi tới lãnh đạo thành phố.
Thế nhưng chưa qua khỏi đợt rà soát quy mô lớn nhất từ trước tới nay, các nhà đầu tư ở Hà Nội lại đang đứng trước một đợt sát hạch mới. Bởi, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội kể từ ngày 1/1/2003 tới 31/12/2008.
Ông Phí Thái Bình lý giải: “Tại nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở, đất bỏ không, để cỏ mọc quá đầu nhưng chủ đầu tư không chịu hoàn thiện hạ tầng xã hội theo cam kết với thành phố. Vì thế, Hà Nội mới phải kiểm tra “sức khỏe” của nhà đầu tư. Năng lực của doanh nghiệp có đủ không mà lại để dự án “treo” đó, gây bức xúc trong dư luận. Nếu phát hiện những dự án quá thời hạn nhưng chưa thực hiện mà không có lý do chính đáng, thành phố chắc chắn sẽ thu hồi”.
(Theo Doanh nhân/TTXVN)