Nghị định 71 đã mở ra cơ hội sở hữu nhà cho Việt kiều, nhưng thị trường nhà ở được dự báo chưa có thay đổi lớn trong ngắn hạn.
Nghị định 71 đã mở ra cơ hội sở hữu nhà cho Việt kiều, nhưng thị trường nhà ở được dự báo chưa có thay đổi lớn trong ngắn hạn.
Tất cả Việt kiều đều được mua nhà. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ vừa có hiệu lực từ ngày 8.8.2010 và đã được hướng dẫn thực hiện bằng Thông tư ban hành vào ngày 9.9.2010. Giữa lúc thị trường bất động sản đang ảm đạm, động thái này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ đem lại một luồng sinh khí mới cho thị trường.
Cơ hội sở hữu nhà cho Việt kiều
Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện việc mua nhà của Việt kiều theo Nghị định 71, sẽ có 2 đối tượng Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam, gồm được mua không hạn chế và chỉ được mua một căn. Theo đó, đối tượng được mua không hạn chế gồm Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên được cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên sẽ có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 70% trong tổng số gần 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài còn giữ quốc tịch gốc. Điều này có nghĩa phần lớn kiều bào sẽ được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam với số lượng không hạn chế như người dân trong nước.
Ngoài ra, theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71, Việt kiều chỉ được sở hữu nhà hoặc đất trong dự án do đơn vị phát triển bất động sản bán. Đối với đất cá thể, tư nhân, đất nông nghiệp không có chức năng để ở, kiều bào không được phép sở hữu hay mua. Tuy nhiên, nếu khu đất có kèm theo nhà, giấy tờ nhà đất xác nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Việt kiều vẫn được sở hữu.
Hợp thức hóa nhà ở hơn là mua
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bất động sản Vinaland, cho rằng, với quy định Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ được kích thích trở lại sau một thời gian dài đóng băng. “Năm 2009, kinh tế suy giảm, khiến lượng kiều hối về Việt Nam giảm theo. Dù vậy, lượng kiều hối cũng đạt gần 7 tỉ USD. Điều đó cho thấy, khả năng tài chính của kiều bào vẫn rất lớn. Đây sẽ là một kênh vốn quan trọng đối với thị trường bất động sản”, ông nói.
Tuy nhiên, trong khoản kiều hối hằng năm, phần lớn được dùng vào việc mua nhà (do người thân đứng tên). Đó là lý do ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, các kiều bào sẽ tranh thủ độ mở của Nghị định 71 để hợp thức hóa các bất động sản đã mua trước đó hơn là mua nhà mới. Vì thế, thị trường nhà ở sẽ khó có sự thay đổi lớn trong ngắn hạn.
Ông Ngô Dương Hoàng Thao, Việt kiều Mỹ, Tổng Giám đốc một công ty lớn tại TP.HCM, cũng cho rằng, sẽ có xu hướng các Việt kiều về nước mua nhà, nhưng trước mắt, họ sẽ hợp thức hóa những căn nhà nhờ người thân đứng tên trước đó hơn là mua nhà mới. Ông cũng cho biết, sắp tới sẽ hợp thức hóa 2 căn nhà đã mua tại TP.HCM từ năm 2002.
Mặt khác, điều mà nhiều Việt kiều ngán ngại là giá nhà tại Việt Nam quá cao, trong khi tình hình kinh tế ở nước họ đang sinh sống chưa qua hết khó khăn. Tại buổi tọa đàm hướng dẫn, giải đáp về việc sở hữu, sử dụng đất và nhà ở cho kiều bào và thân nhân mới đây tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Vui, Việt kiều Canada, cho biết, bà đang định mua nhà ở Việt Nam và được giới thiệu một căn hộ 150 m2 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) với giá hơn 350.000 USD.
“Điều kiện sống, sinh hoạt và hạ tầng giao thông ở Toronto (Canada) cao hơn hẳn TP.HCM nhưng cũng chưa có mức giá như vậy. Nhà ở Việt Nam quá đắt!”, bà Vui nói. Mức giá cao là một trong những nguyên nhân khiến các Việt kiều chưa vội quyết định mua nhà trong thời điểm này.
Theo ông Trần Ngọc Nhật, nguyên Trưởng phòng Marketing Công ty Bất động sản Novaland, Việt kiều thường về nước trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Nhân dịp này, họ sẽ xem xét thông tin về nhà ở nếu muốn mua ở Việt Nam. Do đó, ít nhất phải chờ qua Tết Âm lịch mới thấy rõ được tác động của Nghị định 71 đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
(Theo Nhịp đầu đầu tư)