Ở Đà Nẵng, giá nhà thu nhập thấp chỉ 5 triệu đồng/m2 vì giá đất ở đó
thấp và hạ tầng sẵn có. Ở Hà Nội, giá nhà thu nhập thấp trên dưới 10
triệu đồng theo tôi là thích hợp
- Một số dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đã có tình trạng người mua từ bỏ hợp đồng, theo ông nguyên nhân vì đâu?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Tôi không nhìn thấy sự tháo chạy của những người mua nhà thu nhập thấp. Trên thực tế, số căn hộ bán ra thấp hơn nhiều so với số đơn của người mua nhà. Tôi ước tính dưới 5% người mua không có khả năng thanh toán vì họ quá nghèo. Chúng ta sẽ chuyển những người này sang hình thức cho thuê.
Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định quy định doanh nghiệp phải xây dựng nhà cho thuê và người dân sẽ được hỗ trợ khi đi thuê nhà, người có thu nhập rất thấp cũng có thể thuê nhà. Ở Việt Nam, người dân có thói quen sở hữu nhà ở. Qua thống kê, nước ta trên 96% người có sở hữu nhà ở mặc dù là nước nghèo nên chất lượng nhà không đảm bảo.
Chúng ta sẽ đồng bộ hóa các quy định, các dự án nhà ở đều dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội và công tác thanh kiểm tra thường xuyên, đảm bảo các quy định của nhà nước được thực hiện nghiêm minh.
- Giá nhà thu nhập thấp hơn 10 triệu đồng/m2 là khá cao với nhiều người mua, ông nghĩ sao?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nếu so với thu nhập của người làm công ăn lương là cao, nên bên cạnh đó phải phát triển nhà cho thuê cho người không đủ khả năng. Các dự án nhà thu nhập thấp mà người dân kêu giá cao là thuộc dự án phát triển thương mại có hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp phải giải phóng mặt bằng, mua vật liệu xây dựng theo giá thị trường.
Ở Đà Nẵng, giá nhà thu nhập thấp chỉ 5 triệu đồng/m2 đồng, có thể hiểu là do giá đất ở đó thấp và hạ tầng sẵn có. Ở Hà Nội, giá nhà thu nhập thấp trên dưới 10 triệu đồng theo tôi là thích hợp.
- Để giúp người dân tiếp cận được với nhà thu nhập thấp, Bộ Xây dựng có biện pháp gì?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Đối với các doanh nghiệp, nhà nước đã hỗ trợ không thu tiền đất, miễn giảm thuế, cho vay một phần từ ngân hàng phát triển, nâng mật độ xây dựng... Nhà nước đã kiểm soát giá thành và tỷ lệ lợi nhuận 10%.
Tuy nhiên, để giảm giá thành, phải đi sâu hơn nghiên cứu mô hình nhà hợp lý, có thiết kế và công nghệ vật liệu tiên tiến. Mặc khác, chúng ta phải tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nguồn để thanh toán, như phương thức thuê mua 10 năm, hay tạo nguồn vốn cho người dân vay thêm để mua nhà. Chúng tôi đã đang nghiên cứu Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ vốn cho người mua nhà.
- Ông có thể nói rõ hơn về Quỹ tiết kiệm nhà ở?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Chúng tôi đang khảo sát tại Trung Quốc và Hàn Quốc, những nơi rất thành công mô hình nhà ở. Quỹ này một phần từ ngân sách, cộng với đóng góp từ những người dân muốn tiết kiệm mua nhà. Quỹ được quản lý từ hội đồng liên ngành, không mang tính lợi nhuận, không được kinh doanh, mà chỉ cho người vay mua nhà thu nhập thấp hoặc các doanh nghiệp vay tạo nguồn cung.
Để tiết kiệm chi phí thì chúng ta chỉ có hội đồng quản lý quỹ, còn việc vay mượn thì ủy thác cho ngân hàng hiện có. Kinh nghiệm các nước thì quỹ này chỉ cho phép mua trái phiếu Chính phủ để sinh lời. Các quỹ này đang hoạt động rất an toàn ở nhiều nước trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VNE)