Sự bùng nổ của hàng loạt dự án bất động sản du lịch trong thời gian vừa qua, có thể dẫn tới sự dư thừa và nguy cơ bội thực.
Sự bùng nổ của hàng loạt dự án bất động sản du lịch trong thời gian vừa qua, có thể dẫn tới sự dư thừa và nguy cơ bội thực.
PV Dothi.net đã có cuộc trao đổi với ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bất động sản du lịch Việt Nam về vấn đề này.
- Nếu như cách đây vài năm chỉ lác đác vài dự án thì đến nay bất động sản nghỉ dưỡng đã đón chào nhiều nhà đầu tư lẫn khách hàng trong nước gia nhập với ý đồ tìm kiếm lợi nhuận từ phân khúc được cho là khá mới mẻ này. Nhiều chuyên gia nhận định, tốc độ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam là quá nóng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Từ cuối 2007 đến nay mọi thứ liên quan đến kinh tế, tài chính, bất động sản… đều tệ. Khủng hoảng kinh tế thế giới xãy ra bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ từ cuối 2007 đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội thế giới, từ tài chính ngân hàng đến xuất khẩu, việc làm, thu nhập người dân, xây dựng, bất động sản, du lịch,...
Trong khi 2006-2007 là mốc thời gian đánh dấu sự quan tâm của mọi người vào lĩnh vực bất động sản du lịch do nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này tại Việt Nam. Các đầu tư của doanh nghiệp bắt đầu dồn vào lĩnh vực này thì đùng một cái khủng hoảng xãy ra làm mọi thứ bị đình trệ.
Du lịch giảm sút, nguồn tài chính cho đầu tư bị co lại dẫn đến nhiều dự án nằm “treo”. Đầu ra có vấn đề mà. Xét trong bối cảnh như thế thì đúng là cầu không đồng thuận phát triển với cung thì “tồn kho”nhiều là đương nhiên.
Nếu xem lại các báo cáo và nhận định của năm 2007-2008 hoặc trước đó 2006 thì chúng ta sẽ thấy các nhận định bi đát về việc thiếu phòng, các cơ sở du lịch có tiêu chuẩn tại Việt Nam. Giờ này, khủng hoảng tác động, mọi thứ sụt giảm thì lại có nhận định ngược lại là cung vượt cầu. Xét trong bối cảnh nhận định thì cũng đúng thôi.
Cuối năm nay đã có tin tức tốt lành đưa về đó là Việt Nam lần đầu tiên 2010 đón được lượt khách thứ 5 triệu. Nếu so với năm 2009 có 3,8 triệu lượt khách, 2008 có 4,3 triệu lượt khách thì năm 2010 thực sự là một năm cột mốc với sự phục hồi và tăng trưởng khá cho du lịch Việt Nam.
Biểu đồ thống kê du lịch Việt Nam 2000 – 2010 cho thấy tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân của Việt Nam là 11-11,5%/ năm. Kế hoạch tầm nhìn của Tổng cục DL VN 2011-2020 ngành du lịch phấn đấu đạt tăng trưởng du khách quốc tế từ 10%-15%/ năm, tăng trưởng khách nội địa 15%-18%/năm. Vậy thì phải có sự phát triển tương ứng từ các cơ sở du lịch là khách sạn, biệt thự, các trung tâm nghỉ dưỡng…
Năm 2009, trong khi Malaysia dân số 22,5 triệu đã đón 23,6 triệu khách quốc tế, Singapore dân số bốn triệu đón 10 triệu khách, Thái Lan dân số 63 triệu đón gần 14,15 triệu khách, Việt Nam với 85 triệu dân mới chỉ thu hút được 3,8 triệu khách nước ngoài. Khoảng cách quá xa đó sẽ không được rút ngắn ngay cả khi du lịch nước ta đạt được mức tăng trưởng hàng năm từ 10 đến 20% như đã đề ra)
Hiện nay do chưa có sổ liệu thống kê cụ thể cả nước và chưa có qui hoạch cụ thể cả nước đồng bộ cho lĩnh vực BĐS du lịch nên sẽ luôn có nhiều nhận định chủ quan.
Lời khuyên của tôi là nhà đầu tư trước khi quyết định phát triển dự án nên nghiên cứu kỹ thời điểm, địa điểm, mô hình sản phẩm, tình hình cung cầu, thị trường mục tiêu,…như thế sẽ giảm được rủi ro.
- Các bãi biển đẹp đang bị nhiều resort chiếm, người dân không có cơ hội tiếp cận với những bãi biển công cộng hay vấn đề môi trường chưa được quan tâm. Ông đánh giá thế nào?
Các địa phương hiện nay cũng đã nhìn thấy vấn đề này và đang rất quan tâm đến vấn đề môi trường và các tiện ích công cộng cho người dân. Vừa qua tôi có kết hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Sao Khuê đưa Ông Trần Thanh Nam – P.CT thường trực UBND tỉnh Kiên Giang, đi qua Nhật để nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường và vận động các nguồn vốn ODA cho các dự án nước sạch, xử lý nước thải / rác thải cho đảo Phú Quốc.
Đi chuyến đó với lãnh đạo Kiên Giang tôi thấy họ rất quyết liệt trong vấn đề môi trường này. Đảo Phú Quốc là một điểm du lịch được qui hoạch rất kỹ mà trong đó vấn đề môi trường, tiện ích cho công chúng được đặt lên hang đầu.Tôi đi các địa phương khác và cũng thấy họ đang làm quyết liệt vấn đề qui hoạch. Tôi nghĩ là môi trường và tiện ích công cộng cần phải coi trọng, nếu không sử dụng hết hôm nay, ngày mai không có gì cho con cháu.
- Mác “bất động sản xanh hay sinh thái” đang là cái mà chủ đầu tư đưa ra, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có một tiêu chí nào rõ ràng về vấn đề này. Vậy, ai sẽ là người đánh giá môi trường của các dự án này?
Ở Phú Quốc có qui định khu du lịch sinh thái phải có mật độ xây dựng dưới 20%. Chiều cao xây dựng không quá ngọn cây (không quá 03 tầng). Qui hoạch xây dựng phải phải quan tâm đến việc gìn giữ hiện trạng tự nhiên hiện có của khu đất và không được tác động thây đổi nhiều, ví dụ: hạn chế chặt cây to, hạn chế điều chỉnh địa hình quá nhiều, hạn chế thây đổi dòng chảy của sông suối, …và nhiều qui định khác.
Các qui định này chúng ta học từ nhiều nước đã có kinh nghiệm phát triển du lịch và đã có sự trả giá. Nhưng đúng là chưa có một bộ tiêu chí rõ ràng cho cả nước do chúng ta cũng chỉ mới bước vào lĩnh vực này. Tôi nghĩ là tương lai gần sẽ có.
Duy Khánh Thực hiện