Tham gia diễn đàn Bất động sản du lịch năm 2019 với chủ đề "Triển vọng thị trường và thách thức nguổn nhân lực" vừa được tổ chức bởi Tạp chí điện tử The Leader, giới chuyên gia cho rằng, nhân lực thiếu hụt trầm trọng khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó.
Kai Marcus Schroter, Tổng Giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) lẫy dẫn chứng, ông thường không thể tìm đủ lượng nhân sự đối với những điểm đến như Phú Quốc nên phải tìm kiếm, đào tạo nhân lực ở các tỉnh thành khác. Trong một thời gian dài, nhân sự ngành du lịch vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt.
Theo vị này, Việt Nam phải đầu tư các bước đầu tiên là giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng nhân sự cho 10-15 năm tới. Hơn nữa, đào tạo nhân sự du lịch không phải là công việc chỉ qua 1 ngày 1 đêm là xong mà cần có cấp độ cụ thể cũng như những trải nghiệm nhất định trong nghề phục vụ con người. Tiềm năng du lịch tại Việt Nam rất lớn song con đường đi đến còn nhiều khiếm khuyết, khó khăn về mặt nhân sự.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc công ty nhân sự First Alliances cho biết, hiện lao động phổ thông của ngành du lịch nghỉ ngưỡng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng. Chủ đầu tư nên liên kết, hợp tác với các trường đào tạo nhân sự du lịch, thuê giáo viên về giảng dạy cho nhân viên tùy điều kiện tài chính. Đồng thời, công ty cũng nên có bộ phận đào tạo cho các thế hệ tiếp theo. Đặc biệt, doanh nghiệp nên sử dụng nhân sự nội bộ có kinh nghiệm cao để đào tạo tại các resort mới mở.
|
Nhân lực thiếu hụt gây khó khăn cho ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. |
Ông Thắng nhận định, nhân lực của ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn hạn chế. Hơn nữa, đào tạo của nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Vậy nên, giới phát triển và vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng cần liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong việc đưa ra những tiêu chuẩn thực tế, đồng thời cam kết tiếp nhận đầu ra.
Kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia Economica Vietnam phối hợp với The Leader về nguồn nhân lực du lịch cho thấy, có 32/100 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường địa ốc được gửi mẫu điều tra trả lại phiếu đã trả lời đầy đủ thông tin. Họ đều thừa nhận đang đau đầu với tình trạng nguồn nhân lực phục vụ du lịch nghỉ dưỡng thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể, có đến 36,4% doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng định đầu tư mới và lượng công ty muốn mở rộng kinh doanh lên tới 45,5%. Theo kết quả khảo sát, quá trình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực còn hạn chế là khó khăn lớn nhất; kế đến là tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng và những khó khăn liên quan tới lãi suất, giá đất, thuế đất.
Giám đốc cấp cao của Novaland, ông Nguyễn Thái Phiên cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đạt mức cao, đóng góp gián tiếp 14% vào GDP và trực tiếp 8%. Vậy nhưng, nguồn lao động ngành du lịch chỉ chiếm 4%, gây mất cân đối khi trong một thời gian ngắn khách du lịch đổ về quá lớn.
Trong năm vừa qua, tỷ lệ hướng dẫn viên thạo tiếng Hàn Quốc chỉ chiếm 2%, tiếng Trung Quốc là 5% và tiếng Anh là 40%. Do đó, khi hướng dẫn viên ngoại đổ vào, nhân lực du lịch nội địa có thể bị thua ngay trên "sân nhà". Ông Phiên thông tin: "Cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, chưa bàn đến chất lượng".