Nhiều DN BĐS công bố mức thưởng Tết hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những công bố trên chỉ là chiêu trò nhằm lôi kéo môi giới nhằm tăng doanh thu của các sàn.
Một công ty phân phối BĐS đặt trụ sở tại miền Bắc vừa qua đã công bố mức thưởng Tết cho những nhân viên xuất sắc trong công ty. Theo công bố này, mỗi người nhận được một ôtô trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Số người được nhận xe đạt đến cả chục. Hơn nữa, số tiền thưởng dành cho hàng trăm nhân viên kinh doanh khác trong công ty ở mức khoảng 1-3 tháng lương cơ bản, tức là từ 3 đến 10 triệu đồng. Như thế, số tiền chi thưởng của DN này có thể lên đến cả chục tỷ đồng.
Nhiều lãnh đạo các đơn vị phân phối cũng cho biết, Tết âm lịch, một số nhân sự xuất sắc trong công ty có thể được nhận khoản thưởng lên tới nửa tỷ đồng, kể cả những sàn vừa thành lập được 1-2 năm hay chỉ là đại lý cấp dưới của những đơn vị phân phối lớn.
Nhiều DN BĐS công bố mức thưởng Tết "khủng" nhưng thực tế, nhân viên
không nhận được thưởng như DN đã công bố với báo chí
Lãnh đạo sàn BĐS lớn tại Hà Nội cho biết, với một năm làm ăn tốt như 2015-2016, mức thưởng tiền trăm triệu ở một số đơn vị bán hàng thực tế là có thật. Tuy vậy, số người được thưởng hàng trăm triệu chỉ khoảng 1-2 người. Những người này đều giữ những vị trí chủ chốt, thân cận hoặc nắm cổ phần trong công ty.
Một nhân sự cấp cao, có nhiều năm gắn bó với DN vừa qua tuyên bố chi hàng chục tỷ để thưởng Tết bằng ôtô cũng cho biết, số người được nhận xe chủ yếu là cấp lãnh đạo vùng miền của sàn. Hơn nữa, xe chỉ được đăng ký sở hữu công ty để sử dụng cho công việc, không đứng tên cá nhân người được thưởng.
Anh Ngọc, một trưởng nhóm kinh doanh có thâm niên tại một sàn BĐS lớn chia sẻ, qua nhiều năm đi làm môi giới, trải qua nhiều đơn vị phân phối lớn nhỏ thì, anh nhận thấy, thực tế, thưởng Tết trong lĩnh vực BĐS cũng chỉ như những ngành khác. Thậm chí, nhiều nhân viên không có thưởng Tết vì cơ bản đã được trả hết vào hoa hồng sản phẩm bán được.
Theo anh Ngọc, một số sàn có giải thưởng cho cá nhân hoặc những nhóm xuất sắc. Tuy vậy, khoản tiền thưởng dành cho giải này rất thấp, chỉ mang tính động viên tinh thần. Theo anh, mức thưởng Tết bằng ô tô hay tiền tỷ luôn thu hút lớn sự chú ý của dư luận nên một số sàn phân phối công bố con số "khủng" nhằm thu hút môi giới giỏi từ những đơn vị khác đưa doanh thu về DN.
Anh Ngọc lý giải, mức chi trả hoa hồng của các sàn không chênh lệch lớn nên nếu sàn nào có càng nhiều môi giới giỏi thì doanh thu càng cao, lợi nhuận càng tốt. Thưởng Tết lớn cũng là một trong những chiêu hút người giỏi hiệu quả.
Báo cáo lương, thưởng 2016 do Công ty Tư vấn Macconsult công bố vừa qua cũng cho thấy, BĐS có mức thưởng cao nhất trong số 23 nhóm ngành nghề được khảo sát. Báo cáo đưa ra dựa trên dữ liệu khảo sát của gần 300 DN và 106.925 người lao động, cung cấp thông tin chi tiết về mức lương, thưởng, phúc lợi của hơn 600 chức danh. Cụ thể, ở cấp bậc quản lý, giám sát, ngành BĐS có mức thưởng Tết trung bình cao nhất là 65 triệu đồng. Ở cấp bậc môi giới, vì có hoa hồng cao và liên tục chi trả theo doanh thu nên tính riêng khoản thưởng Tết thì con số là không cao.
Nhiều năm nay, việc sử dụng thông tin thưởng Tết để quảng bá tên tuổi DN trên thị trường BĐS không hiếm. Từ năm 2011 trước đó, một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM đã gây sự chú ý khi tiết lộ mức thưởng Tết cao nhất dành cho một cán bộ quản lý xuất sắc lên tới 8 tỷ đồng và 200 triệu tiền mặt. Một số nhân viên xuất sắc được thưởng mức thấp hơn cũng là 1 căn hộ trị giá khoảng 500 triệu đồng cùng 50 triệu đồng tiền mặt. DN này hoạt động trong lĩnh vực BĐS và quà tặng căn hộ khi đó thuộc dự án của chính đơn vị đang thi công. Mấy năm sau, dự án mới được bàn giao. Như vậy, sau mấy năm công bố nhận thưởng, nhân viên của công ty mới được nhận nhà.
Năm 2016, DN nói trên cũng công bố mức thưởng cao nhất với nhân viên là 3 chiếc ôtô. Cùng với các giải thưởng xuất sắc nói trên, có 15 cán bộ nhân viên đạt thành tích tiên tiến được thưởng trị giá 100-200 triệu đồng.