Không ít dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trong tình trạng “án binh bất động”.
Không ít dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trong tình trạng “án binh bất động”.
Trong khi các công ty kinh doanh bất động sản trong nước rầm rộ khởi công, khánh thành dự án và ồ ạt tung ra các sản phẩm, thì không ít dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “án binh bất động”.
Điển hình như dự án khách sạn lớn nhất Hà Nội với 720 phòng đang trên bờ vực phá sản khi nhà đầu tư nước ngoài là Riviera Corporation đề nghị được rút lui với lý do là không thu xếp được tài chính do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mảnh đất "vàng" 4,3 ha ở phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi trước đây có rất nhiều nhà đầu tư nhòm ngó, nhưng chỉ có Riviera Corporation giành được với mục tiêu xây dựng Khách sạn Lotus sang trọng, hiện vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu là những ruộng rau muống.
Ngoài dự án Khách sạn Lotus, còn có không ít dự án bất động sản có vốn FDI được cấp phép từ lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không khởi động được hoặc xây dựng dở dang. Hải Phòng và Đà Nẵng là hai địa phương có nhiều dự án bất động sản có vốn FDI đang ở trong tình trạng "bất động".
Chẳng hạn, Dự án Cozy Ville do Công ty GNS Vina làm chủ đầu tư được cấp phép cách đây 4 năm, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng xong khu nhà mẫu, còn toàn bộ 432 căn hộ sang trọng của Dự án vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. "Tồn tại trên giấy" cũng là tình trạng chung của các dự án bất động sản khác ở thành phố cảng như Our City, Tinh Thành Khải Đệ, Trung tâm Thương mại quốc tế Đông Thăng.
Ở Đà Nẵng, hiện chỉ có Khu căn hộ Blooming Tower đã hoàn thành xây dựng xong phần móng và đủ điều kiện bán hàng. Còn các dự án khác như Khu căn hộ Cantavil hay Tổ hợp Jade Center ở bên cầu Tuyên Sơn vẫn là những bài đất trống mặc dù đã được cấp phép từ lâu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất động của các dự án bất động sản có vốn FDI, trong đó, phổ biến là do chủ đầu tư không đủ năng lực và dự án không có đầu ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một phần khiến cho việc thu xếp vốn cho các dự án ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đằng sau tình trạng án binh bất động của các dự án này vẫn là dấu hỏi: Liệu các địa phương đã thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư trước khi cấp phép? Bởi có những dự án đã được cấp phép, song chủ đầu tư không nộp tiền sử dụng đất theo đúng cam kết, hoặc không đủ vốn để xây dựng, dù chỉ là phần móng của toà nhà căn hộ để đủ điều kiện bán hàng theo pháp luật Việt Nam.
Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải trả giá cho việc không nghiên cứu kỹ thị trường khi lập dự án đầu tư. Vào lúc thị trường bất động sản lên cơn sốt, các nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi tiềm năng tương lai, mà ít xem xét kỹ lưỡng thị trường hiện tại, nên ồ ạt lập dự án.
Đến lúc thị trường bất động sản trầm lắng, kinh doanh của các dự án gặp khó khăn thì họ mới nhận ra rằng, sản phẩm dự định đầu tư không phù hợp với thị trường, hoặc thị trường còn quá nhỏ không thể hấp thụ hết một lượng cung khổng lồ do có quá nhiều dự án được lập ra.
Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng và Hải Phòng đều rơi vào tình trạng này. Chẳng hạn, tại Hải Phòng, các nhà đầu tư đua nhau lập dự án xây dựng chung cư, biệt thự cao cấp với giá bán không thua kém gì so với Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, phần lớn người dân Hải Phòng có nhu cầu mua nhà giá thấp, một phân khúc mà hầu như không có nhà đầu tư nào để ý đến.
Đà Nẵng cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong khi các dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm và căn hộ cao cấp đã và đang xây dựng gặp nhiều khó khăn trong bán hàng, thì các nhà đầu tư lại đổ xô vào lĩnh vực này.
Hệ quả là nhà đầu tư mất năng lực triển khai dự án, thị trường thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu, còn những mảng đất vàng trở nên hoang phế, gây lãng phí lớn cho nền kinh tế.
(Theo Đầu tư)