Hiện có trên 100 nhà đầu tư lớn xin đầu tư vào đảo Phú Quốc nhưng với tốc độ rùa của các thủ tục và tiến độ đầu tư, không biết bao giờ Phú Quốc mới thành Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia.
Hiện có trên 100 nhà đầu tư lớn xin đầu tư vào đảo Phú Quốc nhưng với tốc độ rùa của các thủ tục và tiến độ đầu tư, không biết bao giờ Phú Quốc mới thành Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Kiên Giang, đến đầu tháng 3, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 46 dự án đầu tư trên diện tích 1.855 ha, tổng vốn gần 16.000 tỷ đồng, trong đó 12 dự án đã được phê duyệt, vốn 750 tỷ đồng.
Ngoài ra, có trên 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi hồ sơ xin đăng ký đầu tư vào Phú Quốc. Trong số các nhà đầu tư lớn có Tập đoàn Rockingham (Hoa Kỳ) đề nghị đầu tư khu liên hợp khách sạn, vui chơi giải trí trên diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Ủy thác Trustee Suisse (Thụy Sỹ) cùng Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề nghị xây dựng dự án Trung tâm tài chính khách sạn với vốn đầu tư 2 tỷ euro.
Starbay cùng nhóm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư khu du lịch sinh thái và sân golf 510 ha, vốn 800 triệu USD; Dự án của Công ty cổ phần Đông Dương liên doanh với một tập đoàn Canada đầu tư vào thị trấn An Thới 130 triệu, diện tích 88 ha.
Một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong đầu tháng 3 cũng đã đến Kiên Giang xin được đầu tư vào Phú Quốc. Tỉnh Kiên Giang đang phải tính toán lại, bởi hiện nay các nhà đầu tư đã đăng ký kín chỗ trên đảo. Thậm chí đã có dự án lớn đăng ký sau chồng lên dự án dự án nhỏ đăng ký trước làm cho một số nhà đầu tư không bằng lòng. Chẳng hạn như dự án của Tập đoàn Rockingham chồng lên 8 dự án nhỏ đã đăng ký trước đó.
Giải thích vấn đề này ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói: “Khi có chủ trương của Chính phủ về chính sách đầu tư vào Phú Quốc, các nhà đầu tư trong nước đã nhanh chân hơn họ sớm có mặt và hoàn thành các thủ tục ban đầu. Tuy nhiên khi các nhà đầu tư của nước ngoài tới với những dự án qui mô lớn thì chúng tôi buộc phải tính toán lại. Có thể một số dự án sắp tới sẽ phải thông qua đấu thầu”.
Tốc độ rùa
UBND tỉnh Kiên Giang dự kiến sẽ tổ chức cho Chủ tịch tập đoàn Rockingham gặp 8 nhà đầu tư trước đó để thương lượng, bồi hoàn. Tỉnh Kiên Giang cũng sẽ bố trí cho những nhà đầu tư nhỏ bị dự án lớn chồng lên vị trí khác trên đảo phù hợp hơn với quy hoạch.
Ông Thái Đắc Liệt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho biết các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã “phủ sóng” lên toàn bộ diện tích được quy hoạch trên đảo Phú Quốc. Hiện Ban quản lý đầu tư phát triển đảo vẫn chưa được thành lập, trong khi Phú Quốc đang cần tư cách pháp nhân để thực hiện quản lý ngân sách cấp một và làm đầu mối giao tiếp với các nhà đầu tư, thực hiện cơ chế “một cửa”. Vì thế, những nhà đầu tư vào Phú Quốc gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Phú Quốc hiện quá yếu kém, kinh phí đầu tư thì nhỏ giọt, tốc độ xây dựng quá chậm. Vốn trái phiếu Chính phủ phân bổ đến 2010 để xây dựng các tuyến đường giao thông trên đảo Phú Quốc chỉ có 401 tỷ đồng, trong khi nhu cầu cho vấn đề này trên đảo đến năm 2010 lên tới 2.000 tỷ đồng.
Việc ra vào đảo cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, khi tàu ngừng chạy thì máy bay không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Việc quy hoạch chi tiết cũng tốc độ… rùa. Nhiều nhà đầu tư quá sốt ruột đã đề nghị nếu tỉnh không có kinh phí thì họ sẽ tự bỏ tiền ra để quy hoạch.
(Theo Tiền Phong)