Nhằm bình ổn thị trường bất động sản Hà Nội trước tình trạng tăng bất thường trong vài tháng gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, khai thác sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức cá nhân, nhất là những giao dịch trái pháp luật.
Nhằm bình ổn thị trường bất động sản Hà Nội trước tình trạng tăng bất thường trong vài tháng gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, khai thác sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức cá nhân, nhất là những giao dịch trái pháp luật.
Các trường hợp thông tin sai sự thật để đầu cơ đất đai sẽ phải chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất công tác quản lý đất đai tại một số khu vực có giá tăng đột biến (thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây...), báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng 7 tới.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính không căn cứ việc biến động về giá đất trên thị trường để đề xuất điều chỉnh bảng giá đất của thành phố trong năm 2010 và xác định làm căn cứ bồi thường khi thực hiện các dự án đầu tư.
Các quận, huyện, phường, xã chỉ làm thủ tục chuyển nhượng các thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với những trường hợp mua đất nông nghiệp song không canh tác sẽ không được hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng mà chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp mà Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành hàng năm.
Theo nhận định của Ủy ban Nhân dân thành phố, nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất “sốt” là do giới đầu tư đã lợi dụng thông tin đang được thảo luận về quy hoạch chung Thủ đô để tạo nhu cầu ảo, đẩy giá tăng cao. Trên thực tế, Nhà nước chưa thông qua quy hoạch, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhiều dự án dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng đang phải rà soát, điều chỉnh nên việc xây dựng mới ở nhiều dự án vẫn có nguy cơ dừng lại.
Còn theo báo cáo kết quả khảo sát mới đây của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản khu vực đang xem xét trong quy hoạch chung Hà Nội, giá bất động sản khu vực phía Tây vẫn tăng đều đặn từ trước khi có quyết định sát nhập Thủ đô, còn các khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý 1/2010.
Nhưng đầu quý 2/2010, lượng giao dịch và giá chuyển nhượng được chào bán trên thị trường tự do các loại đất thổ cư, đất cây lâu năm đã được cấp “sổ đỏ” tại nhiều địa bàn của Hà Nội, nhất các địa điểm đang được xem xét quy hoạch tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo tổng hợp các nguồn thông tin thì giao dịch bất động sản thời gian qua chủ yếu là việc mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau, có những mảnh đất trong một thời gian ngắn đã thực hiện giao dịch nhiều lần.
Đáng chú ý là, đã xuất hiện tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao, nhất là tại các khu vực các huyện Thạch Thất, Ba Vì. Hầu hết các giao dịch, mua bán bất động sản tại khu vực xa trung tâm với mục đích đầu tư, kiếm lời chứ không phải vì nhu cầu thực sự cần có chỗ ở. Việc đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân để đẩy giá bất động sản lên cao.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa cũng làm giá đất tăng cao tại những khu vực Hà Nội mở rộng là do pháp luật về đất đai cho phép đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất vườn, có một phần đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tham gia thị trường bất động sản, được chuyển nhượng nhưng chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện chuyển nhượng làm cho các loại đất này được chuyển nhượng một cách dễ dàng, số lượng giao dịch nhiều hơn các loại đất nông nghiệp khác và gây khó khăn cho công tác quản lý.
(Theo Vietnam+)