Nhiều dự án ở HN, việc khách hàng kiện chủ đầu tư đang diễn ra khá nhiều
khi những điều khoản trong bản hợp đồng mập mờ, thiếu sự minh bạch, đẩy
người mua vào cảnh “dở mếu, dở khóc”…
Nhiều dự án ở HN, việc khách hàng kiện chủ đầu tư đang diễn ra khá nhiều khi những điều khoản trong bản hợp đồng mập mờ, thiếu sự minh bạch, đẩy người mua vào cảnh “dở mếu, dở khóc”…
Điển hình là việc khách hàng khiếu nại chủ đầu tư dự án CT2 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) khi những cam kết đã ký trong hợp đồng vay vốn không được bên bán là Cty Đầu tư phát triển nhà Thái Sơn, thành viên của Cty Cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) đã không được thực hiện đúng.
Điều đáng nói là dự án được rất nhiều các sàn giao dịch BĐS khác nhau đều bán sản phẩm dự án CT2 từ cách đây hơn một năm, nhưng cho đến nay những căn cứ pháp lý của dự án vẫn là một “ẩn số” chưa được chủ đầu tư công bố, còn những người đã chót xuống tiền ký hợp đồng vay vốn hy vọng mua được căn hộ tại dự án thì ngày đêm lo ngay ngáy khi dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Người mua không khỏi lo ngại hơn khi chủ đầu tư cấp 1 dự án là Tcty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) còn trả lời với báo chí rằng, chưa hề ký bất cứ một hợp đồng chuyển giao dự án CT2 với chủ đầu tư dự án AZ (chủ đầu tư thứ cấp).
Lại có thông tin, dự án này rất có thể bị xóa sổ bởi nhiều khả năng vị trí dự án nằm trong diện tích 10 héc-ta phải thu hồi khi theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì sẽ đi qua Khu đô thị Vân Canh.
Để “xoa dịu” bức xúc của khách hàng, lãnh đạo AZ Land đã đưa ra các phướng án để giải quyết như: chờ quy hoạch phân khu được duyệt rồi sẽ khởi công, khách hàng có thể chuyển sang mua dự án khác hoặc có thể thanh lý hợp đồng và chủ đầu tư sẽ trả tiền lại cho khách hàng.
Một sự việc khác tại dự án Việt Kiều Châu Âu – Euroland ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) hàng trăm khách hàng cũng đang tố cáo chủ đầu tư là Cty TSQ Việt Nam khi thời gian bàn giao nhà đã quá hạn như hợp đồng ký kết. Hàng loạt vấn đề mập mờ, lách luật trong hợp đồng như: dùng đôla Mỹ làm đơn vị thanh toán cho giá trị hợp đồng, áp dụng lãi suất phạt chậm thanh toán tới 24%, huy động vốn vượt mức quy định… cũng đã bị khách hàng “tố”.
Thế nhưng, chủ đầu tư còn thuê cả Cty luật sư để làm việc với khách hàng, thậm chí còn phủ nhận tất cả những mập mờ trong hợp đồng, luôn cho là mình đúng, thách khách hàng kiện ra tòa, đặc biệt còn đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng nào “cứng đầu” tố chủ đầu tư.
Chừng ấy vấn đề tuy không phải là mới nhưng nó lại đang tái diễn ở nhiều dự án, mà người mua phần vì muốn kiếm lời nhanh nên đã chạy theo tin đồn, bị “sập bẫy” bằng chính những chiêu bài quảng cáo hoa mỹ của chủ đầu tư khiến khách hàng bỏ qua những thủ tục cần thiết, thẳng tay ký kết các loại hợp đồng mà không đọc kỹ đằng sau những điều khoản ấy ẩn chứa những bất lợi cho chính mình.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, xảy ra liên tiếp những vụ khiếu nại trong thời gian qua chủ yếu do các chủ đầu tư đã lợi dụng lỗ hổng pháp lý. Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư chỉ được bán nhà khi thiết công trình đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng. Song nhiều chủ đầu tư đã “lách” thông qua hợp đồng huy động vốn, góp vốn, vay vốn để thực hiện quá trình mua bán nhà trên giấy. Theo đó, khách hàng sẽ góp với chủ đầu tư một khoản tiền tương đương với số tiền mua nhà, đất. Đổi lại, chủ đầu tư sẽ ưu tiên quyền mua căn hộ cho khách hàng. “Luật chưa có quy định rõ ràng về hợp đồng góp vốn khiến nhiều chủ đầu tư luôn “sáng tạo” các điều khoản có lợi cho mình”, ông Liêm cho hay.
Lời khuyên của các chuyên gia trong ngành dành cho các khách hàng, người đầu tư nên tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, tư cách pháp lý cũng như uy tín, thiện chí của chủ đầu tư bởi lẽ, BĐS là tài sản có giá trị rất lớn nên việc mua bán, trao đổi, sang nhượng cần phải rõ ràng, minh bạch. Cách an toàn nhất khi quyết định mua nhà, khách hàng nên nhờ luật sư tư vấn và kiểm tra chặt các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà trả góp.
(Theo Lao Động)