Nhiều giao dịch nhà đất trên địa bàn TP.HCM đã bị huỷ. Nhà đầu tư chùn tay, không dám rót vốn vào bất động sản. Doanh nghiệp kêu trời và cơ quan thuế lúng túng.
Nhiều giao dịch nhà đất trên địa bàn TP.HCM đã bị huỷ. Nhà đầu tư chùn tay, không dám rót vốn vào bất động sản. Doanh nghiệp kêu trời và cơ quan thuế lúng túng.
Đó là những hệ quả thực tế do thông tư 161 của bộ Tài chính về việc thu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản – chính thức có hiệu lực từ ngày 26.9.2009 – gây ra. Theo thông tư này, thuế suất chuyển nhượng bất động sản có hai mức: 25% trên phần lợi nhuận hoặc 2% trên giá trị chuyển nhượng.
Vì sao quá nhiều vướng mắc phát sinh sau khi chính sách thuế này ra đời? Câu trả lời là chính các cơ quan thực thi cũng bị rối: mỗi cơ quan thuế áp dụng một mức thuế suất khác nhau, có nơi thì tính 25% trên giá chênh lệch mua và bán, có nơi lại áp dụng thuế suất 2% trên giá trị chuyển nhượng. Ví dụ: ông A mua một miếng đất trị giá 1 tỉ đồng và chuyển nhượng cho ông B giá 1,2 tỉ đồng. Như vậy, nếu áp dụng mức thuế 25%, thì ông A phải đóng 50 triệu đồng. Nếu thuế suất 2% thì chỉ phải đóng 24 triệu đồng, tức chênh lệch thấp hơn 26 triệu đồng.
Đây chính là kẻ hở để cán bộ thuế tuỳ ý hành xử, thậm chí nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Nói cách khác, người nộp thuế nào “biết điều” thì sẽ được hưởng mức thuế suất thấp, ngược lại sẽ phải è cổ ra đóng mức thuế cao. Mức thuế chênh lệch quá lớn này còn khiến không ít người nộp thuế kê khai giá trị lợi nhuận thấp để giảm bớt tiền thuế.
Càng rắc rối hơn khi mỗi chi cục thuế có một hướng dẫn khác nhau về việc nộp khoản thuế này, dẫn đến thủ tục nộp thuế lê thê khiến nhiều khách hàng huỷ hợp đồng. Và thế là tại một số nơi, “cò” đất đã ra giá cho những người đi làm thủ tục nộp thuế, “nếu muốn giải quyết hồ sơ nhanh thì cho tui 2 – 3 triệu đồng sẽ xong ngay”.
Việc áp thuế thu nhập cá nhân mức 25% cho trường hợp chuyển nhượng các hợp đồng góp vốn mua căn hộ, đất nền còn tác động khá mạnh đến thị trường bất động sản. Bởi theo thông tin từ các công ty bất động sản, các hợp đồng dạng này chiếm khoảng 60 – 70% giao dịch trên thị trường nhà đất.
Dường như sau khi nhận được những phản hồi không mấy tích cực từ thực tế, mới đây bộ Tài chính và tổng cục Thuế đã họp bàn tìm cách hóa giải những vướng mắc cho cả người dân và ngành thuế, theo hướng: thống nhất áp dụng một mức thuế 2% trên tổng giá trị giao dịch chuyển nhượng. Mức thuế suất 25% trên lợi nhuận sẽ chỉ áp dụng đối với trường hợp có đầy đủ chứng từ, hoá đơn, hợp đồng chứng minh giá bán, giá vốn, chi phí liên quan...
Đây cũng là phương án được nhiều chuyên gia trước đó đã đề xuất.
Người dân, doanh nghiệp và thị trường bất động sản hiện đang nín thở chờ phán quyết sửa sai của cơ quan chức năng, để tính toán đường làm ăn. Họ cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan trước khi ban hành một chính sách nào đó cần phải lượng định được những tác động cũng như lường trước những phát sinh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
(Theo SGTT)