“Nhiều chủ đầu tư bất động sản kể từ ra Tết đến giờ đã gửi thông báo thay đổi giá bán tới hai lần, giảm từ 2 - 4 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch vẫn thưa thớt”.
“Nhiều chủ đầu tư bất động sản kể từ ra Tết đến giờ đã gửi thông báo thay đổi giá bán tới hai lần, giảm từ 2 - 4 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch vẫn thưa thớt”.
Tiếp theo bản “danh sách đen” các doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế vừa được Tổng cục Thuế công bố hồi đầu tháng 3, mới đây Cục Thuế Hà Nội lại tiếp tục điểm mặt hàng loạt doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn nợ, chậm nộp tiền thuế tính đến tháng 2/2012, với tổng số lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, nợ thuế lớn nhất thuộc về liên doanh Berjay - Handico12, chủ đầu tư dự án khu đô thị Thạch Bàn (Long Biên) với hơn 225 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng số tiền phạt vì không chịu nộp tiền sử dụng đất đã lên tới 78 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong danh sách thuộc về Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội nợ tiền thuế đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại 26 Lê Văn Lương, với số tiền trên 176 tỷ đồng. Dự án tổ hợp dịch vụ nhà ở cao cấp, văn phòng nhà ở xã Đại Mỗ của Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Đại Mỗ cũng nợ tiền sử dụng đất và phạt lên tới trên 127 tỷ đồng. Trong đó riêng tiền nợ thuế đất là 124 tỷ đồng
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Thương mại Hưng Việt, chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở Golden Land (Thanh Xuân) cũng nợ hơn 73 tỷ đồng tiền thuế, chưa kể số tiền phạt nộp chậm gần 26 tỷ đồng đối với dự án trên.
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô, chủ đầu tư dự án Tháp Doanh nhân (Hà Đông) nợ trên 27 tỷ đồng.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã công bố nhiều doanh nghiệp lớn chây ỳ nộp thuế như Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) nợ gần 400 tỷ đồng, Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) nợ hơn 220 tỷ đồng, Công ty Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam nợ 152 tỷ đồng, tập đoàn Nam Cường nợ 69 tỷ đồng và mới đây nhất là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội... nợ thuế từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài những khoản nợ tiền thuế nói trên, theo tìm hiểu, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội đang có những khoản nợ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại, trong đó có doanh nghiệp đã bị ngân hàng chuẩn bị phong tỏa dự án xiết nợ vì không có khả năng trả nợ.
Thị trường khó khăn, tín dụng thắt chặt trong suốt một năm qua chính là nguyên nhân cốt yếu khiến phần lớn doanh nghiệp bất động sản lâm trọng bệnh. Vào cuối năm 2011, một số dự án tại Tp.HCM và Hà Nội đã được chủ đầu tư giảm giá bán đến 30% để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Thậm chí một vài dự án được công bố chuyển nhượng, sang tên cho chủ khác vì doanh nghiệp không thể kham nổi các khoản vay hàng trăm tỷ đồng.
Mọi chuyện sau đó những tưởng sẽ khá hơn với các chủ đầu tư khác khi thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, khi mà theo thông lệ thị trường bước vào mùa “làm ăn” của giới bất động sản. Nhưng hy vọng để rồi thất vọng, trước và sau Tết, giới phần lớn các dự án tại Hà Nội và Tp.HCM cũng không cải thiện được nhiều về tính thanh khoản, khách hàng vẫn giữ tâm lý dè dặt, nghe ngóng là chủ yếu.
Mới đây, khi thông tin hạ lãi suất được lan truyền, tín dụng có phần nới lỏng, tia hy vọng ít nhiều lại được nhen nhóm trong giới đầu tư của nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Bá Hoàn, Phó giám đốc Công ty Xây dựng - Bất động sản Quang Minh, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất 1% có thể xem là động thái tích cực cho thị trường, song xét ở góc độ nhà đầu tư đi vay tiền, 1% trần lãi suất huy động không có ý nghĩa gì khi các khoản nợ của họ vẫn còn kẹt lại đó, lãi suất vay vẫn cao, trong khi dự án thì vẫn “đắp chiếu” không có người mua.
Trong khi đó, nhìn nhận về việc các doanh nghiệp bất động sản nợ thuế, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, đó là hệ quả của một quá trình dài thị trường không có thanh khoản, khiến doanh nghiệp không thể quay vòng đồng vốn, cũng như không có tiền thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông, dù có một vài doanh nghiệp bán tháo, cắt lỗ..., song những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2011 mới chỉ là “ủ bệnh”, còn giai đoạn “trọng bệnh” rất có thể sẽ là trong năm nay, với việc hàng loạt dự án được chủ đầu tư công bố hạ giá sốc, hoặc bán đứt đoạn cho chủ mới vì không có tiền trả nợ ngân hàng, cơ quan thuế.
Không bình luận về các khoản nợ thuế của chủ đầu tư, song giám đốc một sàn giao dịch bất động sản có tiếng tại Hà Nội chia sẻ, “nhiều chủ đầu tư bất động sản kể từ ra Tết đến giờ đã gửi thông báo thay đổi giá bán tới hai lần, giảm từ 2 - 4 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch vẫn thưa lắm”.
Theo dự báo của vị này, rất có thể do không “xoay” ra tiền trả nợ ngân hàng, tiền sử dụng đất... trong thời gian không lâu nữa, một làn sóng hạ giá bán căn hộ lại tái hiện tại Hà Nội, Tp.HCM và một số đô thị lớn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương...
(Theo Vneconomy)