Giá đất thị trường là phải thông qua giao dịch nhưng hầu hết là giao dịch ngầm, chưa công khai minh bạch.
Giá đất thị trường là phải thông qua giao dịch nhưng hầu hết là giao dịch ngầm, chưa công khai minh bạch.
Đó là những ý kiến mà Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 ngày 15.3
Thưa Thứ trưởng, hiện cơ quan quản lý cho rằng, tiền thu từ đất còn thấp trong khi doanh nghiệp kêu bị thua lỗ do tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá cao. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Theo tôi, phải tổng kết đánh giá lại xem doanh nghiệp hay cơ quan quản lý đúng. Nhưng nhìn chung đền bù giải phóng mặt bằng vẫn phải là áp giá thị trường. Vấn đề là giá nào thôi.
Khung giá là do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm, còn giá cụ thể lại do Bộ Tài chính. Phải xác định xem giá thị trường là thế nào, 1 tỷ đồng/m2 ở thị trường Hà Nội thì thực sự có đúng hay không? Phải xem xét phương pháp định giá hiện nay để điều chỉnh lại. Giá thị trường là phải thông qua giao dịch nhưng giao dịch của mình lại là giao dịch ngầm, chưa công khai minh bạch. Tôi cho rằng, nói khung giá đất bằng 30-60% giá thị trường là chưa có cơ sở, đó chỉ là cảm tính. Đất đai là vấn đề phức tạp, phải có thời gian chứ không thể giải quyết trong một lúc.
Ý kiến của Thứ trưởng thế nào về tình hình khiếu kiện đất đai ngày càng nhiều hiện nay mà chủ yếu là do khâu đền bù giải phóng mặt bằng chứa nhiều bất cập?
Tôi cho rằng, khiếu kiện đất đai chủ yếu là do quy hoạch của các dự án kéo dài từ nhiều năm. Hiện, chính sách về đất đai đối với người dân ngày càng cởi mở, thỏa đáng hơn. Tất nhiên là dự án cũ và mới có sự chênh lệch về tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Theo tôi, khiếu kiện chủ yếu rơi vào các dự án đã triển khai rồi, bởi những dự án mới được đền bù theo Nghị định 69 về cơ bản là tốt. Các dự án cũ đòi bồi thường theo giá như dự án mới thì không thể được.
Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân khi mà giá đất chưa sát giá thị trường, thưa ông?
Nhà nước vẫn có hỗ trợ cho người dân. Nơi nào giá đất thấp thì nâng tỷ lệ hỗ trợ cao lên. Nơi nào sát giá thị trường thì tỷ lệ thấp xuống. Nếu người dân cứ đòi cả phần bồi thường và hỗ trợ cao thì rất khó. Giá trị đất tăng lên chủ yếu do Nhà nước. Nhà nước thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng thì giá lên. Đáng lẽ phần đó Nhà nước phải được hưởng.
Đất ở Hà Nội cũng giống như các khu vực khác. Vậy tại sao giá đất ở Hà Nội lại vọt lên cao thế, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, khung giá do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, còn giá cụ thể là do Bộ Tài chính. Nếu đất ở Hà Nội làm ra 15 tấn thóc thì Hải Phòng cũng thế. Nhưng vấn đề là lợi thế. Đất hiện nay có giá sau khi chuyển đổi mục đích. Mua đất để làm nông nghiệp thì rất ít. Đất nông nghiệp đang có tình trạng bị mua để làm cây xăng, làm nhà hàng. Bởi vậy giá đất mới cao. Cứ bảo đất nông nghiệp là thấp nhưng thực ra không phải. Đất nông nghiệp thì chỉ để làm nông nghiệp. Còn đất nông nghiệp mà làm mục đích khác thì là phi nông nghiệp rồi.
Bộ sẽ giải quyết thế nào khi nhiều doanh nghiệp thuê đất Nhà nước rồi sau đó lại cho thuê lại với giá chênh kiếm lời?
Thủ tướng đã có Chỉ thị 134 và Bộ đang kiểm tra xử lý. Trường hợp nào sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải thu hồi. Nếu áp giá chưa đúng thì phải xem lại. Đúng là thực tế có tình trạng Nhà nước cho thuê một năm thì bằng người ta cho thuê trong vòng hai tháng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Duy Khánh