Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM, giới đầu tư đất nền giá rẻ, nhất là ở các tỉnh lẻ sẽ "thức tỉnh" sau vụ địa ốc Alibaba. Theo đó, phân khúc này sẽ sức nóng trên thị trường.
Ông Nghĩa nhận định, sau khi chiêu trò lừa bán đất nền của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bị lật tẩy, rất có thể giao dịch đất nền giá rẻ sẽ trở nên trầm lắng. Dòng tiền rót vào phân khúc đất nền có thể giảm mạnh bởi những lo ngại rủi ro sau vụ việc liên quan tới Công ty Alibaba.
Chuyên gia này cho hay, hệ thống phân phối đa cấp, thị trường ngách đất nền siêu rẻ và bẫy lợi nhuận "khủng" là những yếu tố làm nên sự khác biệt của Công ty Alibaba so với phần còn lại của thị trường. Vì biên lợi nhuận không cao nên giới đầu tư địa ốc chuyên nghiệp thường bỏ qua thị phần ngách. Trong khi đó, các đơn vị môi giới, phân phối dự án cũng rất thận trọng đối với sản phẩm hàng hóa có pháp lý kém.
Sau các cơn sốt đất, đất nền giá rẻ là phân khúc không còn phổ biến tại thị trường TP.HCM, chỉ tồn tại ở các khu vực hẻo lánh, vùng xa xôi. Ông Nghĩa nhận định, bản chất thị trường đất nền Việt Nam còn lỏng lẻo về pháp lý. Do đó, giá bán các dự án đạt chuẩn an toàn pháp lý thường rất cao. Nhà đầu tư phải chi bình quân từ 2,5-3,5 tỷ đồng/lô nếu muốn sở hữu đất nền hoàn chỉnh pháp lý, được phân phối bởi các thương hiệu uy tín ở TP.HCM. Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, không phải ai cũng đủ tiền để đầu tư đất nền giá trị dù sở hữu bất động sản liền thổ luôn là niềm ao ước của phần lớn người Việt.
Khách mua đất nền giá rẻ từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/nền, đóng theo tiến độ do Công ty Alibaba đặt ra thường có khả năng tài chính hạn hẹp. Đây là số vốn của một cá nhân, một hộ gia đình ngoại thành Sài Gòn hoặc tỉnh lẻ tích lũy trong nhiều năm.
|
Sau khi các chiêu trò buôn gian bán lận của Công ty Alibaba lộ tẩy, phân khúc đất nền giá rẻ sẽ giảm nhiệt. Trong ảnh: Một dự án của Alibaba bị cơ quan chức năng địa phương cưỡng chế. (Ảnh: Nguyễn Khoa) |
Thông thường, khách mua đất nền của Alibaba với dòng vốn mỏng sẽ yếu thế hơn. Vì vậy, họ rất ngại đặt ra những đòi hỏi cao về tính pháp lý của dự án nên dễ sập bẫy của Địa ốc Alibaba. Lý do là, có thể vì họ ít va chạm với kênh đầu tư đất nền nên kiến thức hạn hẹp hoặc có người mua nghĩ rằng "tiền nào của ấy". Với những nhà đầu tư vốn ít, nhu cầu của họ rất đơn giản, chỉ cần cam kết lợi nhuận từ 2 con số (Công ty Alibaba đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn từ 20-28%), được đảm bảo đứng tên hợp đồng mua đất. Vấn đề là, nhóm khách hàng có khả năng tài chính hạn hẹp này thường không đủ cơ sở, nghiệp vụ để rà soát, kiểm chứng những cam kết của bên bán.
Ngược lại, những nhà đầu tư mua đất nền giá trị lớn từ vài tỷ đồng trở lên thường yêu cầu chủ đầu tư xuất trình hồ sơ pháp lý, chỉ số quy hoạch và thông tin cụ thể của dự án từ cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể, người mua đất nền còn có thể nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung, giá trị cao, việc chặn "vòi bạch tuộc" của Công ty Alibaba sẽ tác động rất ít tới thị trường đất nền tại TP.HCM. Vậy nhưng, thị trường đất nền tỉnh lẻ với giá cực rẻ từ dăm vài trăm triệu đồng mỗi lô sẽ trở nên gián đoạn, chững lại hoặc trầm lắng sau vụ Địa ốc Alibaba.
Theo dự báo của ông Nghĩa, dòng vốn nhỏ thường rót vào phân khúc đất nền giá rẻ để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao sẽ dịch chuyển vào kênh đầu tư an toàn hơn sau khi các chiêu trò buôn bán gian lận của Công ty Alibaba bị lật tẩy. Nhiều khả năng, dòng tiền này sẽ đổ vào tiết kiệm ngân hàng, các kênh bán buôn, bán lẻ quy mô nhỏ.
Vụ việc của Địa ốc Alibaba theo ông Nghĩa sẽ thức tỉnh những nhà đầu tư đất nền dễ dãi, ảo tưởng thu lợi nhuận khủng. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo, răn đe tới giới đầu tư lẫn người dân về thực trạng thị trường đất nền lỏng lẻo về mặt pháp lý. Mặt khác, vụ việc còn là cơ hội để cơ quan quản lý chấn chỉnh tính minh bạch của thị trường bất động sản, tìm ra công cụ giám sát, bảo vệ người mua đất nền chặt chẽ, hiệu quả hơn.