Phần lớn kiều hối chuyển về Việt Nam được dùng để mua bán nhà đất; một phần nhỏ hơn còn lại được gửi tiết kiệm, mua các sản phẩm sử dụng lâu dài.
Phần lớn kiều hối chuyển về Việt Nam được dùng để mua bán nhà đất; một phần nhỏ hơn còn lại được gửi tiết kiệm, mua các sản phẩm sử dụng lâu dài.
Tại hội nghị về di cư quốc tế được tổ chức 1-6 ở Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường và Daniel Mont đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đánh giá trên dựa vào kết quả một cuộc điều tra tiến hành năm 2008 với hơn 4.000 hộ gia đình Việt Nam liên quan đến kiều hối.
Theo kết quả này, kiều hối về Việt Nam có tác động giảm phần chi tiêu cho các yếu tố cố định và tăng phần chi tiêu cho đất đai và nhà ở. Một lượng nhỏ được đầu tư cho dịch vụ, du lịch.
“Các tác động của kiều hối đối với xoá đói giảm nghèo là không đáng kể, vì kiều hối chủ yếu gửi cho các hộ gia đình khá giả và không dành cho chi tiêu”, theo thống kê trên.
Theo WB, Việt Nam xếp thứ 16/20 quốc gia nhận nhiều kiều hối nhiều nhất thế giới năm 2010. Tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 về nhận kiều hối, sau Philippines (khoảng 21,3 tỉ đô la Mỹ năm 2010). Mức kiều hối về Việt Nam năm vừa qua theo thông báo chính thức của Ngân hàng Nhà nước khoảng 8 tỉ đô la Mỹ (so với FDI 9,6 tỉ và ODA 2,6 tỉ). Nguồn tiền ngoại tệ ròng này đã bù đắp gần 50% thâm hụt thương mại, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài, nhất là ODA.
Các chuyên gia dẫn thống kê từ WB cũng cho biết, nếu như năm 1987 chỉ có khoảng 8.000 lượt người Việt nam ở nước ngoài về thăm Việt Nam thì năm 1992 là 97.000 lượt người. Các năm 2000- 2003, trung bình mỗi năm có khoảng 350.000 lượt kiều bào về Việt Nam thăm người thân, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, du lịch. Năm 2004 kiều bào đạt 430.000 lượt người và từ năm 2005 đến nay mỗi năm có khoảng nửa triệu kiều bào về nước.
Xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Các nước và vùng lãnh thổ châu Á, đặc biệt Đài Loan và Malaysia là điểm đến xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.
Kiều hối quốc tế chủ yếu do những người di cư thường trú gửi từ Mỹ, Canada và Pháp. Song nguồn tiền hiện được chuyển một cách không cân đối cho những người khá giả sống ở các khu vực đô thị, đặc biệt là TPHCM. Thành phố này nhận kiều hối nhiều nhất trong cả nước mặc dù không có xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2006-2008.
WB dự báo con số kiều hối có thể tiếp tục tăng trong những năm tới nếu kinh tế toàn cầu duy trì được đà phục hồi sau khủng hoảng. Lượng kiều hối về sẽ tiếp tục tăng và đương nhiên con số thống kê chính thức không bao gồm tiền mặt và hiện vật được gửi trực tiếp cho gia đình không qua hệ thống tín dụng và ngân hàng.
Các thống kê từ điều tra còn cho biết, tại một số tỉnh thành có số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, lượng tiền người lao động gửi về gửi về xấp xỉ bằng tổng thu nội địa trong tỉnh. Hiện không có con số thống kê tầm vĩ mô về tỷ lệ các hộ gia đình nhận tiền từ người lao động đi làm việc tại nước ngoài, song đa số các gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài đều xác nhận thu nhập có tăng lên từ nguồn này.
Tuy nhiên, kiều hối không có tác động đáng kể với chi tiêu cho các mặt hàng phi thực phẩm, giáo dục, y tế, sản xuất và các tài sản cố định. Tác động của nguồn tiền này đối với tiêu thụ là nhỏ, không đáng kể. Điều này cũng có nghĩa nó không có tác động đối với xoá đói giảm nghèo ít nhất trong ngắn hạn.
Ví dụ, lãi suất tiền gửi đô la Mỹ ở nước ngoài hiện chỉ từ 1-1,5%/năm trong khi ở Việt Nam là khoảng 5%/năm, chênh nhau rất lớn. Đó là một nguồn lợi quá an toàn và cũng là một phần lý do giải thích cho sự tăng mạnh kiều hối mỗi khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao và giảm ngay khi chiều hướng ngược lại xảy ra.
TS Lê Kim Sa, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, dẫn báo cáo chưa đầy đủ cho rằng, hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cư trú ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
(Theo TBKTSG)