Sau khi “ráp” được người mua và người bán, nhóm “cò” đất ăn mừng bằng cái lẩu bò to tướng. Nhưng mới “dzô” có vài chai bia, “cò” Ng. tỏ ý hơi lo: “Thôi, phải xong giấy tờ đã, lúc nào nhậu mà không được!”. Thế là cả nhóm rời quán giữa lúc trời mưa như trút, lê xe máy trên con đường sình lầy…
Sau khi “ráp” được người mua và người bán, nhóm “cò” đất ăn mừng bằng cái lẩu bò to tướng. Nhưng mới “dzô” có vài chai bia, “cò” Ng. tỏ ý hơi lo: “Thôi, phải xong giấy tờ đã, lúc nào nhậu mà không được!”. Thế là cả nhóm rời quán giữa lúc trời mưa như trút, lê xe máy trên con đường sình lầy…
Tìm đất đầu tư
Sau mười năm làm việc, anh H., bạn thân của tôi, tích cóp được vài trăm triệu đồng gửi ngân hàng lấy lãi. Nhưng với tình hình hiện nay, H. tính toán “gửi ngân hàng sẽ lỗ, vì lạm phát ngấp nghé lãi suất”. Mua vàng hay đô la Mỹ thì H. không an tâm, do gần đây giá lên xuống quá bất thường. Đầu tư vào chứng khoán trong lúc này, theo H., cũng “hết sức mạo hiểm với người không rành như mình”.
Chỉ còn lại nhà đất. Với số tiền vài trăm triệu đồng, thật khó có thể mua được nhà đất ở nội thành. Vì vậy, theo anh, phải đầu tư vào những chỗ “nóng” vùng ven TPHCM.
Cơ hội đầu tư tốt có lẽ nằm ở Hiệp Phước, Nhà Bè (TPHCM) và Long Hậu, Cần Giuộc (Long An) - vì cảng Sài Gòn sẽ dời về Hiệp Phước trong vài năm tới. Trên thực tế, con đường Nguyễn Văn Tạo nối trung tâm TPHCM với Hiệp Phước và Long Hậu đang được đầu tư mở rộng. Do vậy, vùng đất cách trung tâm TPHCM trên dưới hai mươi cây số này sẽ trở thành đất vàng trong tương lai không xa.
Nghĩ vậy nên anh H. rủ tôi cùng đi Hiệp Phước và Long Hậu vào một ngày giữa tháng 7. Trời đang nắng nóng bỗng đổ mưa khi chúng tôi đến gần cầu Hiệp Phước. Tấp vào quán nước bên đường, biết chúng tôi tìm mua đất, bà chủ quán gọi điện thoại cho “cò” B. đến. Ông B. nói thao thao về lô đất này, miếng đất kia có người cần bán… nhưng khi chúng tôi gặp phó chủ tịch UBND xã Hiệp Phước mới hay, đất nông nghiệp ở Hiệp Phước không thể mua bán được.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, chính quyền xã Hiệp Phước không cho người dân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp - có lẽ vì muốn giữ đất cho khu đô thị cảng Hiệp Phước tương lai. Vì vậy chúng tôi phải qua Long Hậu kế đó để tìm cơ hội đầu tư.
Ông M., công an xã Long Hậu, cho biết: “Đất ở đây đã quy hoạch hết rồi, không mua bán được đâu! Muốn mua chỉ có đất nền của các dự án tái định cư”. Theo ông M., trước đây giá đất nền tái định cư của dự án khu công nghiệp Long Hậu lên đến trên 6 triệu đồng một mét vuông nhưng hiện nay chỉ vào khoảng 3,5-4 triệu đồng/mét vuông - mua trực tiếp từ người dân nhận tái định cư bán lại. Chúng tôi hẹn với ông M., “khi nào có người kêu bán giá dưới 3,5 triệu đồng/mét vuông thì gọi cho hay”.
Nhưng đem so với giá đất ở khu Mỹ Phước, Bình Dương thì giá đất ở Long Hậu như thế là hơi cao. Ở khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Mỹ Phước 3, giá đất chỉ vào khoảng hơn 1 triệu đồng/mét vuông. Hạ tầng giao thông ở Mỹ Phước khá tốt và cách TPHCM cũng không quá xa - hơn ba mươi cây số.
Chúng tôi nhắm vào Mỹ Phước là vì tại khu vực này, chính quyền tỉnh Bình Dương đang xây dựng trung tâm hành chính mới, với nhiều dự án giao thông kết nối với TPHCM và Đồng Nai. Thế nhưng đến Mỹ Phước mới thấy, những dãy nhà liên kế nối đuôi nhau chạy dài theo chuỗi không gian im ắng. Những ngôi nhà màu sơn còn mới nhưng phủ một lớp bụi dày với những cái ổ khóa to đùng bên ngoài cửa. Một cán bộ của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, chủ những ngôi nhà này phần lớn là người ở TPHCM, họ xây nhà để đó, chờ giá lên bán… Nói vậy nhưng không biết khi nào giá mới lên khi mà hạ tầng giao thông thì khá tốt nhưng hạ tầng xã hội chưa hình thành tại đây?
“Gửi tiền” vào đất vùng ven
Bỏ qua vùng đất Củ Chi có địa thế tốt nhưng thiếu những dự án hay, chúng tôi quay về với hy vọng dự án sân bay quốc tế Long Thành qua cửa ngõ thành phố Nhơn Trạch, mà chốt giao thông chính là dự án cầu Cát Lái. Sau những ngày lang thang quanh các xã Phú Đông, Đại Phước, Phước Khánh, Vĩnh Thanh… của huyện Nhơn Trạch, chúng tôi làm quen được một số “cò” đất.
Và rồi giữa tuần trước, “cò” Ng. gọi điện báo tin: “Có miếng đất rất ngon ở Phú Đông”. Vậy là đi… Qua phà Cát Lái, chúng tôi chạy xe gắn máy gần mười cây số đường đất đỏ giữa lúc trời mưa. Đến một cái hồ nước lớn bên đường (cách thị trấn Phước Khánh chừng ba cây số), một chiếc ghe máy đang chờ đưa chúng tôi đi coi đất. Hơn mười lăm phút quanh co qua các con rạch lớn nhỏ, giữa đồng không mông quạnh, xuất hiện những cọc bê tông trắng đỏ. “Cò” Ng. chỉ vào miếng đất có cọc bê tông nói: “Thửa đất này đây”. Theo giải thích của “cò” Ng., cọc bê tông đó là tim của một con lộ rộng 30 mét dự kiến phóng qua miếng đất này.
Miếng đất ruộng rộng gần 7.000 mét vuông đã bị cỏ tranh xâm chiếm (có lẽ bị bỏ hoang nhiều năm). Theo tính toán của một cán bộ địa chính huyện Nhơn Trạch thì con đường xuyên qua miếng đất này lấy đi khoảng 2.000 mét vuông. Như vậy, thực tế miếng đất sau khi có con đường chỉ còn trên dưới 5.000 mét vuông. Giá đền bù làm đường là 60.000 đồng/mét vuông nhưng giá miếng đất được kêu bán là 105.000 đồng/mét vuông.
Sau khi tính toán, vì có dự án con đường xuyên qua miếng đất, H. chấp nhận mua với giá người bán đưa ra, với hy vọng… khi có đường giá đất sẽ lên. Sau khi đặt cọc 20 triệu đồng cho người bán, nhóm “cò” đất của Ng. kéo ngay vào quán lẩu bò gần đó để ăn mừng (tiền cò 3% giá bán đất).
Từ Phước Khánh chúng tôi chạy về ấp Bến Ngự, Phú Đông, Nhơn Trạch khi trời đã tối mịt. Trước khi vào nhà người bán đất, “cò” Ng. nói với chúng tôi: “Anh phải nhồi thêm cọc chứ không người bán sẽ “bẻ kèo” vì có nhiều người lùng mua miếng đất này lắm”. Chúng tôi đến một căn nhà có thể nói là bề thế nhất ấp Bến Ngự, một người đàn ông ra tiếp với một cánh tay bó bột và mặt mày còn sưng vì té xe máy.
Sau khi “nhồi” thêm 120 triệu đồng tiền cọc thì mới hay chủ đất thật sự là một người khác - người đàn ông đứng ra bán đất cho chúng tôi cũng là một “cò” đất có biệt danh là Bò S. Ông S. đúng là một tay “mượn đầu heo nấu cháo”, vì ngay khi chúng tôi đặt cọc, ông liền lấy số tiền đó để đi đặt cọc lại với người chủ đất thật sự.
Thấy tình hình phức tạp, anh H. yêu cầu được chồng đủ tiền để lấy sổ đỏ và làm hợp đồng mua bán đất ra xã công chứng. Lúc này, chúng tôi mới biết chủ đất thực sự là bà L. ở xã Vĩnh Thanh, và giá đất mà bà L. bán cho ông S. rẻ hơn nhiều so với giá mà anh H. mua lại…
Nhưng thật may và bất ngờ, ngay khi anh H. vừa chồng tiền xong thì bà S., một đại gia ở quận 7, hỏi mua ngay với giá 125.000 đồng/mét vuông… Anh H. quyết định bán ngay miếng đất đã mua và tìm cơ hội đầu tư vào một miếng đất khác. Giá đất ở Nhơn Trạch đang bắt đầu rục rịch trở lại và những rủi ro tiềm ẩn không phải là nhỏ nên việc “gửi tiền” vào đây cũng là một quyết định không dễ dàng gì!
(Theo TBKTSG)