Giao dịch trên thị trường BĐS trầm lắng gây khó khăn cho giới chủ đầu
tư và các sàn, trung tâm giao dịch khi số lượng các dịch vụ này đang
dần giảm đi sau một thời gian sôi động.
Giao dịch trên thị trường BĐS trầm lắng gây khó khăn cho giới chủ đầu tư và các sàn, trung tâm giao dịch khi số lượng các dịch vụ này đang dần giảm đi sau một thời gian sôi động.
Chưa có số liệu thông kê chính thức liệu có bao nhiêu trong số 319 sàn giao dịch và trung tâm môi giới nhà đất lớn nhỏ tại TPHCM phải đóng cửa do thị trường nhà đất đóng băng. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành nhận định số lượng các sàn giao dịch hoạt động cầm chừng hay đóng cửa cũng không ít.
Lấy ví dụ như khu vực đường Trần Não quận 2, TPHCM. Cách đây vài năm khi thị trường nhà đất nóng sốt, số lượng các sàn giao dịch và trung tâm môi giới bất động sản mọc lên san sát nhau, và có thể nói đây là con đường có số lượng sàn nhiều nhất thành phố.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các trung tâm dịch vụ này lần lượt biến mất theo sự trầm lắng của thị trường bất động sản, thay vào đó là những cửa hàng thời trang, vật liệu xây dựng và tạp hóa. Ngoại trừ các công ty bất động sản có văn phòng tại đây, số lượng các sàn còn lại trên còn đường này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản từng có văn phòng tại khu vực này cho biết, giao dịch thị trường trầm lắng thời gian vừa qua khiến nhiều sàn họat động không đủ chi phí và buộc phải co cụm lại hoặc đóng cửa.
Cũng theo chủ một sàn giao dịch đã đóng cửa, một phần vì thị trường nhà đất dự án tại khu vực quận 2 đã bão hòa, giao dịch chuyển nhượng không nhiều. Xu hướng thị trường tập trung vào thị trường căn hộ - phân khúc cũng không dễ dàng gì trong việc tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Giám đốc một sàn giao dịch có văn phòng tại quận 1 nói rằng, số lượng các sàn tham gia vào thị trường thời gian vừa qua khá nhiều, nhưng trong số đó rất ít sàn có quy mô, bài bản và có uy tín để đủ sức trụ lại thị trường trong thời điểm hiện nay.
Thực tế cho thấy trong số các dịch vụ như giao dịch mua bán, môi giới, định giá, tư vấn, quảng cáo, đấu giá và quản lý bất động sản, rất ít các sàn giao dịch bất động sản cung cấp đủ các dịch vụ trên, phần lớn tập trung vào dịch vụ môi giới.
Với các sàn do chủ đầu tư lập, thì có thể phần nào gánh đỡ chi phí hoạt động, nhưng với các sàn hoạt động độc lập, việc xoay xở đủ chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh là một thách thức không nhỏ.
Vị giám đốc này cho biết, tùy vào quy mô, một sàn cần trung bình cần khoảng 300 – 400 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí mặt bằng và lương nhân viên kinh doanh. Với chi phí hàng tháng như vậy và với phần trăm hoa hồng được hưởng từ 2%- 3%/căn hộ, sàn giao dịch này cần có ít nhất khoảng 20 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng. Nhưng hiện nay, kiếm được từ 5-10 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng là một ước mơ cho nhiều sàn giao dịch bất động sản trong tình hình hiện nay.
Hơn nữa, theo vị giám đốc trên, không phải sàn giao dịch nào cũng đủ uy tín, mối quan hệ với chủ đầu tư để có được những dự án căn hộ có giá cả vừa phải và có vị trí tốt để thuận lợi hơn trong việc bán hàng. Do vậy, với những sàn không đủ khả năng đa dạng hóa sản phẩm mà chỉ trông chờ vào phân khúc căn hộ khó có thể trụ nổi trên thị trường dưới gánh nặng chi phí hoạt động.
Trong buổi hội thảo về thị trường bất động sản tổ chức ngày 23-11 tại TPHCM, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis Vietnam, cho rằng không ai dự đoán được đâu là đáy của thị trường khi áp lực giảm giá ở tất cả các lãnh vực văn phòng, bán lẻ và căn hộ diễn ra hơn 10 quý liên tiếp vừa qua.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty Cushman & Wakefield, TPHCM sẽ có thêm khoảng 13.000 căn hộ được đưa vào thị trường trong năm nay. Với cơ cấu dân số hiện tại, nguồn cung này sẽ đáp ứng nhu cầu của người mua trong ba năm tới.
Kim Ngân (Theo TBKTSG)