Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, sẽ có khoảng 750 dự án phải tạm dừng chờ bản Đồ án Quy hoạch chung.
> Hà Nội sau quy hoạch: 750 dự án " nằm trên thớt"
Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ có dự điều chỉnh
Sắp tới có những dự án sẽ phải được cập nhật, theo đồ án quy hoạch chung, tức là có những dự án phải điều chỉnh vì liên quan tới hệ thống giao thông, rồi cốt nền khác nhau...
Những dự án đã được duyệt cũng phải điều chỉnh quy mô, mật độ cho phù hợp trên cơ sở mô phỏng cho phù hợp quy hoạch chung. Sau giai đoạn này, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu cụ thể mới có thể xác định rõ.
Đối với vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng đã có thông báo phân ra làm 3 loại rõ ràng: làng xóm, trường học, trạm xá của dân cư hiện hữu; các dự án đã và đang triển khai ở mức độ gần hoàn thiện và các dự án chưa triển khai. Đặc biệt với dự án chưa triển khai thì phân định rõ giữa cái nào đã đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thuế, thu nhập tài chính và cái nào chưa làm gì. Cách ứng xử sẽ phải khác nhau.
Việc triển khai các dự án trong vành đai sông Nhuệ sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các quy hoạch phân khu mà thành phố Hà Nội sau này làm, Bộ Xây dựng phối hợp. Các chủ đầu tư dự án đang phối hợp với thành phố để lập quy hoạch phân khu cho phù hợp, tất nhiên không được thay đổi các định hướng lớn của quy hoạch chung.
Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Khó khăn nhưng vẫn phải giải quyết
Khó khăn trước mắt là phải rà soát điều chỉnh trên 750 dự án, vì có cái đã có chủ trương nghiên cứu, có cái phê duyệt. Giờ phải xem cái nào đã phù hợp, cái nào chưa phù hợp để điều chỉnh.
Thậm chí có dự án định làm chỗ này, giờ không phù hợp nên không được làm nữa. Đây là cái khó và chúng ta phải cố gắng giải quyết cho phù hợp.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên KTS trưởng thành phố Hà Nội: Hài hòa lợi ích các bên
Quy hoạch chung Hà Nội đã được thông qua, sau đó phải quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu. Một vấn đề lớn ở đây là phải rà soát lại các dự án đã có để điều chỉnh thích hợp, cần có sự cố gắng lớn hơn nữa để áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay còn hơn 700 dự án, nói chung để làm được cụ thể còn mất nhiều thời gian.
Năm 2010, Hà Nội mới đặt ra vấn đề rà soát các dự án. Các dự án này chiếm 65.000 ha đất, gần 70% đất phát triển đô thị của 20 năm sau, chính vì vậy cần phải rà soát theo tiêu chí mà Hà Nội đã đưa ra. Đây là việc cực kỳ khó khăn tác động đến thị trường bất động sản, cần phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
H.T (Tổng hợp)