Năm 2007 đã từng diễn ra kịch bản: chứng khoán nóng, nhà đất tăng giá. Đã từng diễn ra quy luật chứng khoán tăng nóng một thời gian rồi sau đó thị trường bất động sản cũng nhộn nhịp theo.
Năm 2007 đã từng diễn ra kịch bản: chứng khoán nóng, nhà đất tăng giá. Đã từng diễn ra quy luật chứng khoán tăng nóng một thời gian rồi sau đó thị trường bất động sản cũng nhộn nhịp theo.
Từ tháng 3 đến tháng 5 này, người mua cổ phiếu trên sàn niêm yết và cả OTC đã thu lãi ít nhất 100%. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiền chứng khoán sẽ lại đổ sang mua nhà đất.
Cùng nóng, cùng lạnh
Kịch bản của giai đoạn cuối năm 2006 đầu năm 2007: chứng khoán tăng nóng kéo kênh bất động sản sốt. Khi đó hai kênh vốn này giống như chiếc bình thông nhau vì dòng tiền cứ chạy qua chạy lại. Bấy giờ đại đa số nhà đầu tư thắng đậm cổ phiếu đã đem hết tiền đi mua nhà đất. Dòng tiền từ chứng khoán không chỉ đánh tan băng nhà đất (lạnh từ 2002 đến 2006) mà còn đẩy thị trường này tăng nóng hơn 300%.
Nhưng đó là bề nổi, còn bắt đầu từ tháng 3-2008 kéo dài đến tháng 2-2009 là phần chìm của hai thị trường. Cổ phiếu liên tục rớt giá, chỉ số VN-Index sụt giảm như xe đổ dốc không phanh. Kênh chứng khoán lúc này trở thành cơn ác mộng của nhiều người và trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng bị vạ lây. Cụ thể, thời điểm cuối năm 2008, nhiều người còn chen lấn đăng ký mua căn hộ thì sang quý I năm sau, các chủ đầu tư bán nhà đất giá giảm đến 40% mà khách hàng còn chê.
Chứng khoán và bất động sản đã tạo ra một quy luật mới trong đầu tư khi nóng thì cùng bốc lên dữ dội, còn lạnh thì đóng băng dày. Chính vì thế chứng khoán lần này tăng điểm mạnh đang khiến nhiều người toan tính quay trở lại mua bất động sản.
Kịch bản cũ tái diễn?
Không chỉ nhà đầu tư mà các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cũng nghĩ chứng khoán tăng thì nhà đất cũng nóng trở lại.
Ông Lương Trí Thìn, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh, dự báo sắp tới nhà đất sẽ giao dịch mạnh. “Tôi thấy những người mua cổ phiếu từ thời điểm đầu năm giờ đã có lãi quá cao. Dòng tiền này sẽ chảy vào mua bất động sản, rồi sau đó mới dồn đến kênh đầu tư vàng, ngân hàng và các nhu cầu khác” - ông Thìn nhận định.
Ông Bùi Tiến Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) thì nói chắc là thị trường nhà đất sẽ nóng nhưng trễ khoảng một tháng sau khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu chốt lời.
Dưới góc độ một người kinh doanh, ông Vũ Anh Quân, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, cũng khẳng định dòng tiền từ chứng khoán sẽ đổ vào nhà đất. “Giá các sản phẩm bất động sản bây giờ đã khá mềm vì đã được thanh lọc qua một đợt đóng băng dài ngày. Mặt khác, pháp lý của từng dự án căn hộ, nền đất bây giờ khá rõ ràng, không còn kiểu chủ đầu tư bán lúa non. Vấn đề của thị trường bất động sản bây giờ là chờ tiền mua nữa thôi” - ông Quân nói.
Và dường như nắm rõ kịch bản cùng nóng cùng lạnh của chứng khoán và bất động sản nên hiện tại nhiều chủ đầu tư đang chuẩn bị đưa hàng ra bán. Tại các khu vực nóng sốt quận 2, 7, 9, Nhà Bè (TP.HCM)..., các doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Phú Mỹ Hưng, Him Lam... đang chuẩn bị tung ra sản phẩm để bán. Còn tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai..., các đơn vị kinh doanh uy tín như Đất Xanh, Tín Nghĩa... đã có những kế hoạch đón đầu dòng tiền từ chứng khoán. Ở góc độ thị trường, hai tuần nay một số căn hộ, nền đất đang giao dịch đã tăng giá gần một triệu đồng/m2 như căn hộ Phú Mỹ (quận 7), Trường Thọ (Thủ Đức), nền đất Phú Xuân (Nhà Bè), nền dự án The Boat Clup Residence (quận 9)...
(Theo PL TPHCM)