Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện tượng sốt đất tại một số khu vực như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh chỉ mang tính cục bộ, khó có thể lặp lại kịch bản như sốt đất Ba Vì năm ngoái.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện tượng sốt đất tại một số khu vực như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh chỉ mang tính cục bộ, khó có thể lặp lại kịch bản như sốt đất Ba Vì năm ngoái.
Trao đổi với báo chí, ông Thiện cho rằng, có sự sốt ảo ở khu vực một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh,…. Tuy nhiên, không phải tất cả các xã trong huyện đều tăng mà chỉ một số lô đất nhất định. Do đó, hiện tượng này không thể đại diện cho tất cả các khu vực của cả huyện được. Giá cao ở một vài lô đất nào đó không thể mang tính điển hình trong việc sốt đất vì mặt bằng giá chung ở những khu vực đó chưa tăng đáng kể.
Tại huyện Đông Anh, không phải cả huyện đất đều tăng giá, mà chỉ ở một số dự án. Đất thổ cư, đất ruộng tăng rất nhiều nhưng chỉ xảy ra ở một số điểm nhạy cảm. “Tôi cho rằng đúng là đất có tăng nhưng nói tăng gấp 10-20 lần thậm chí 50 lần như một số thông tin đã đưa thì chưa đúng”, ông Thiện nhận định.
Trong thời gian qua, tại một số khu vực như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đã có hiện tượng giá đất được đẩy lên cao. Đơn cử như Đông Anh, giá đất thổ cư tại các xã, khu vực tại huyện Đông Anh như Hải Bối, Cổ Điển,Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Thạc Xá, dọc trục đường từ chân cầu Thăng Long ra thị trấn Đông Anh đều có giá từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Thậm chí giá đất mặt đường tại trung tâm thị trấn Đông Anh được một số hộ ra giá 80 - 100 triệu đồng/m2.
Tại Sóc Sơn, giá đất cũng tăng mạnh tại nhiều khu vực, đất Minh Phú, Minh Trí, Nam Cương, Bái Thượng, Phù Linh, Thanh Xuân được coi là tâm điểm của thị trường Sóc Sơn trong hơn một tháng đổ lại đây. Thời điểm cuối năm 2010, giá đất những khu vực này chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng mỗi m2 nhưng đến nay đã lên tới 7-8 triệu, thậm chí một số khu vực gần đường lớn lên tới 18-30 triệu đồng.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện tượng sốt đất vùng ngoại thành vừa qua chủ yếu do “cò” và một số tin đồn về quy hoạch. Ông Thiện thừa nhận, tin đồn quy hoạch tác động đến giá đất tại nhiều khu vực ngoại thành, làm giá tăng cao. Tuy nhiên, ông Thiện cũng khuyến cáo, người đầu tư cần thận trọng phân tích tính xem có thanh khoản không, có mua thật và bán thật không.
Phó phòng Quản lý Quy hoạch và đô thị huyện Đông Anh, ông Nguyễn Đăng Nam khẳng định giá nhích lên gần những khu đã được quy hoạch, nhưng nhìn chung giao dịch tại huyện phía Bắc Hà Nội này vẫn trầm lắng.
Ông Nam nhận định, đây là do thủ thuật “kích” giá của môi giới. Có thể họ đóng 3 vai, là người mua, người bán và đồng thời cũng là nhà môi giới. Nếu họ nói một tuần lãi một tỷ thì mình cũng chỉ biết vậy vì hai người mua bán với nhau thực chất là một để đẩy giá lên cao. Họ đứng ra bán một giá nhưng thực chất giá này vẫn là giá của họ đưa ra và người chịu thiệt thòi chính là người mua sau. Trong trường hợp này thì người dân nếu không tỉnh táo sẽ mắc "tròng" của cò đất.
DK